Chuyên gia: Lãi suất có thể giảm tiếp từ 1-1,5 điểm % trong nửa cuối năm
Bàn về chính sách tiền tệ tại Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/7, các chuyên gia cho rằng, từ cuối năm ngoái, đầu năm nay Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước đó sang "chắc chắn" và đến nay, tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn".
Kể từ tháng 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhiều ý kiến băn khoăn liệu Việt Nam có nới lỏng chính sách tiền tệ sớm quá hay không, lo lạm phát, lo bất ổn.
Bình luận về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng: "Năm nay, chúng ta không cần quá lo về lạm phát".
Đảo chiều chính sách sớm là phù hợp
TS. Lực chỉ ra ba số liệu để củng cố niềm tin về việc đảo chiều chính sách tiền tệ là phù hợp. Thứ nhất là cung tiền. Số liệu đến ngày 30/6, chỉ số cung tiền M2 mới là 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức từ 4-5%, thậm chí là 7% của năm 2019. Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.
Chỉ số thứ hai là vòng quay tiền. Yếu tố này tác động lạm phát rất rõ. Vòng quay tiền 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022.
"So với thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng tốt, vòng quay tiền trên 1 thì rõ ràng đồng tiền lưu chuyển rất chậm. Vì vậy, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra, vòng quay tiền nhanh hơn một chút, nhưng rõ ràng không quá quan ngại", ông Lực nhận định.
Cuối cùng, mặt bằng giá cả của cả thế giới và Việt Nam năm nay về cơ bản tương đối ổn định. Và lạm phát của thế giới đang giảm, dẫn đến hiện tượng gọi là "nhập khẩu lạm phát" của Việt Nam từ bên ngoài.
"Việc này cũng không đáng ngại, lạm phát của chúng ta có lẽ chỉ ở mức độ khoảng 3,5-4% là cùng. Hết sức yên tâm câu chuyện lạm phát, để chúng ta yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng", ông Lực khẳng định.
Chuyên gia cũng cho rằng, còn dư địa chính sách tiền tệ lẫn tài khóa để hỗ trợ kinh tế, kích thích tăng trưởng, liều lượng hiện nay là tương đối phù hợp.
Về vấn đề phối hợp chính sách, nếu quá tập trung vào chính sách tiền tệ chưa chắc đã đạt hiệu quả cao, nó phải đồng bộ các chính sách khác mới đảm bảo mức độ thẩm thấu của chính sách tốt hơn.
Riêng về câu chuyện lãi suất, tín dụng ngân hàng hiện chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt nó liên quan trực tiếp đến câu chuyện chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
"Thủ tướng và Chính phủ đã ra thông điệp rõ ràng là cố gắng giảm mặt bằng giảm lãi suất từ 1,5-2% cho đến cuối năm. Tôi cho rằng đây là một thông điệp rất mạnh dạn, rất rõ, cụ thể", ông nói.
Thực tế thời gian qua ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, chúng tôi thống kê được lãi suất huy động đầu vào giảm bình quân khoảng từ 1-1,2%, lãi suất cho vay cũng giảm mức độ tương tự.
Dù vậy, TS. Lực cũng lưu ý rằng giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề, điều kiện cần thôi. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng.
Phải làm thế nào tăng cả cung và cầu, phía cầu là giảm lãi suất rồi, phía cung là tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.
"Tôi nghĩ cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, trước hết phải giải quyết được sự trì trệ của bộ máy công-viên chức thì mới giải quyết được nhiều vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính", ông Lực nói.
Cuối cùng, phải khơi thông cả những kênh dẫn vốn khác, bởi vì kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng, 2 năm bằng 60% với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chúng ta khơi thông được chỗ này thì rõ ràng dòng vốn trung và dài hạn sẽ khá nhiều.
Giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Quan sát trong 2 tháng vừa rồi cho thấy, một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán.
Như vậy, vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua. Phải đồng bộ chính sách như vậy thì mới đảm bảo mức độ thẩm thấu, việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả, chuyên gia Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Lãi suất có thể giảm từ 1-1,5 điểm % cho đến cuối năm
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, lãi suất có thể giảm từ 1-1,5 điểm % từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng nhưng về nguyên tắc quản trị thì không thể để "đồng tiền dễ dãi". Chúng ta còn dư địa hạ lãi suất nhưng mà tính toán con số hạ 1-1,5 điểm % có một số lý do".
Thứ nhất, nới lỏng chính sách tiền tệ để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Thứ hai là, vấn đề liên quan đến tỷ giá. Cách đây 1-2 tuần, có thời điểm tỷ giá VND tăng mạnh. Như vậy giới hạn của giảm lãi suất không phải chỉ vấn đề huy động tiền gửi mà còn là vấn đề tỷ giá và đằng sau đó là câu chuyện dịch chuyển vốn.
Thứ ba, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống. Bên cạnh thanh khoản, nếu đồng tiền trở nên dễ dãi thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi tài sản tài chính", điều này nếu diễn ra quá mức thì sẽ trở thành vấn đề.
Đây là thách thức đối với NHNN. Vừa rồi sửa Thông tư 06, có lĩnh vực NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại giám sát chặt rủi ro như tiền vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.
Như vậy, có ba rủi ro khi nới lỏng chính sách tiền tệ còn lạm phát không phải vẫn đề lớn. Ông cũng đồng tình với ý kiến rằng lãi suất không phải liều thuốc vạn năng mặc dù rất quan trọng, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn. Đặc biệt, cần có gói hỗ trợ tín dụng mà không ảnh hưởng lớn đến tổng cung tiền, hướng đến các lĩnh vực như nhà ở xã hội, lâm thủy sản,…