Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Ðến lúc quay trở lại với nội lực
Một góc TPHCM hôm nay. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Nhân dân đang tin Chính phủ đi đúng hướng
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng để vượt qua những thách thức lớn, trước hết là những “di sản” cũ để lại: nợ công tăng cao, nợ xấu lớn, tăng trưởng kinh tế bị nghẽn lại, năng suất lao động thấp và suy giảm dần; Vấn nạn về môi trường trở nên bức bách, nhất là ảnh hưởng từ vụ Formosa.
Cùng với đó là vấn nạn tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn còn hết sức nhức nhối. Nhiều vụ án kinh tế chưa xét xử xong lại xảy ra các vụ án phức tạp hơn như vụ Trịnh Xuân Thanh...Trong khi người dân ngày càng có điều kiện tiếp xúc với công nghệ hiện đại, hiểu biết cao, nhận thức và giám sát tốt hơn nên càng tạo thêm sức ép cho Chính phủ, đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi.
“Trong bối cảnh đó, nhìn tổng quát có thể thấy cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như một số thành viên của Chính phủ đã có những cố gắng hết sức to lớn. Chẳng hạn, ngay từ đầu, Thủ tướng đã xác định được rằng để phục hồi kinh tế phải phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Thủ tướng đã chủ động gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, lắng nghe và đưa ra các nghị quyết như Nghị quyết 19, 35 theo hướng cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp làm việc” – chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.
Về góc độ hành động, theo bà Phạm Chi Lan, Thủ tướng đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều cấp từ lãnh đạo các bộ đến các địa phương. Ở đâu, Thủ tướng cũng đôn đốc thực hiện các nghị quyết đã có, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế, khắc phục các vấn đề về môi trường...Qua vụ Formosa, Thủ tướng đã đưa ra tuyên bố: “Cương quyết không đánh đổi môi trường lấy các dự án đầu tư”.
Sau này, nhiều lần Thủ tướng cũng thể hiện sự sốt ruột vì thấy kết quả không được như mong muốn. Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng đấy là dấu hiệu tốt. “Phải nói rằng, thời gian qua Thủ tướng phần nào đã tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp. Ðiều đó được thể hiện như năm 2016 số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên rất nhiều, người trẻ đua nhau khởi nghiệp, hay việc tái cơ cấu nền nông nghiệp bắt đầu có những tín hiệu khả quan,...Nhân dân đang tin Chính phủ đi đúng hướng” - bà Phạm Chi Lan bày tỏ.
Tuy nhiên, theo bà Lan, thẳng thắn nhìn nhận có thể thấy những kết quả đạt được chưa cao, chưa đồng đều. Gần như xã hội đều nhìn thấy rõ giữa quyết tâm và cố gắng hành động của Thủ tướng với các cấp thấp hơn như ở các bộ ngành, các địa phương còn có một khoảng cách.
Chẳng hạn, qua cuộc hội nghị do Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chủ trì nhằm kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 19 cho thấy số địa phương, bộ ngành hưởng ứng và làm được không nhiều, thậm chí có nơi không có nổi một báo cáo về hoạt động của mình.
“Tinh thần cải cách, tinh thần đổi mới, cải thiện điều kiện làm việc cho người dân vẫn còn dừng lại ở một số cấp nhất định. Một bộ phận nhỏ, thậm chí đa số trong số các bộ, các địa phương chưa thấm nhuần được tinh thần của Thủ tướng, chưa hành động, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân” - bà Lan thẳng thắn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Tăng trưởng dựa vào bên ngoài quá nhiều!
Theo bà Phạm Chi Lan, thực sự nền kinh tế nước nhà hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn lớn, thể hiện qua quý I tăng trưởng chậm. “Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng cao tương đối so với một số nước trong khu vực nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Năm 2016, mức tăng trưởng mới chỉ bằng năm 2011, chủ yếu nhờ các nhân tố như giá cả thị trường thế giới diễn biến thuận lợi hơn cho Việt Nam, đầu tư nước ngoài đổ vào vẫn nhiều, chẳng hạn như Sam Sung. Thành ra, những thành tựu tăng trưởng dựa vào bên ngoài quá nhiều, trong khi nội lực chưa được tăng cường. Năng suất lao động chưa được cải thiện. Do đó mới nảy ra lo ngại Việt Nam khó thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình” - bà Lan cho hay.
Ðể thoát được bẫy thu nhập trung bình, bà Phạm Chi Lan cho rằng, bản thân nền kinh tế nội địa Việt Nam phải vượt lên chứ không phải chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài. Ngay quý I vừa qua, có thể thấy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang giảm xuống. Ðể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải thực hiện những cuộc cải cách chủ chốt như cải cách thể chế nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu một số lĩnh vực.
“Những điều này đã nói hoài rồi, từ đại hội XI, đến nay vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Do đó, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên lại nhấn mạnh lần nữa rồi yêu cầu cải cách thế chế. Thế nhưng, trên thực tế công cuộc cải cách còn diễn ra rất chậm chạp.
Chẳng hạn, Quốc hội vẫn còn nợ dân một số luật như luật về hội, luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ý tưởng tốt nhưng thiết kế luật chưa nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp. Công cuộc cải cách còn rất hạn chế bởi năng lực thiết kế các chương trình cải cách mới, luật pháp mới. Mặt khác, còn gặp phải sự cản trở của các nhóm lợi ích” - chuyên gia cho hay.
Theo bà Phạm Chi Lan, những rủi ro trong thời gian tới có thể tăng lên đối với nền kinh tế Việt Nam so với trước đây. Chẳng hạn, việc Mỹ rút khỏi TPP, Anh rời khỏi EU, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ,...khiến một số nước thay đổi lại đường hướng phát triển. Do vậy, việc trông chờ những điều kiện quốc tế tốt hơn cho Việt Nam hiện rất khó, chưa kể dòng vốn đầu tư nước ngoài đang trở về những nước công nghiệp hóa cao như Mỹ hay các nước khác theo chủ nghĩa dân túy để củng cố nền kinh tế trong nước hơn là mang đi đầu tư nước ngoài.
Do vậy, để tranh giành và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không dễ. Hoạt động xuất khẩu của nước ta cũng gặp nhiều khó khăn bởi các nước dựng thêm hàng rào bảo hộ. Vì vậy, những động lực cho nền kinh tế như xuất khẩu, FDI bây giờ khó thể phát huy vai trò của nó như trước đây.
Do đó, rất cần tập trung vào động lực của nền kinh tế trong nước, vai trò của kinh tế tư nhân, làm sao để các doanh nghiệp vượt lên được, các ngành kinh tế của người Việt Nam có thể vững mạnh lên được, cạnh tranh được mới là quan trọng. Ðó là con đường căn cơ nhất để phát triển.
“Năm 2017 rất cần tập trung vào vấn đề nội lực. Tôi cũng rất mừng vì thời gian qua, Ðảng, Quốc hội và Chính phủ cũng đã nói nhiều hơn đến vấn đề nội lực, thấy được vai trò quan trọng của nội lực. Bây giờ rất cần thiết kế hệ thống luật pháp, chính sách để nội lực phát triển. Những năm vừa qua, chúng ta đã dành quá nhiều ưu đãi cho đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, làm cho cấu trúc thị trường bị méo mó rất nhiều. Phải chấn chỉnh lại, quay trở lại với cái cốt lõi nhất là nội lực, doanh nghiệp trong nước, trong đó khu vực tư nhân phải là động lực quan trọng nhất, tăng vai trò của nông nghiệp. Tôi mong Chính phủ phải nhanh chóng thực hiện một cách triệt để những đường hướng cải cách cần thiết mới mong thoát ra được các khó khăn” - bà Lan trăn trở.
“Năm 2017 rất cần tập trung vào vấn đề nội lực. Tôi cũng rất mừng vì thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng đã nói nhiều hơn đến vấn đề nội lực, thấy được vai trò quan trọng của nội lực. Bây giờ rất cần thiết kế hệ thống luật pháp, chính sách để nội lực phát triển". Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |