|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: \"Đôi khi không nên lo lắng quá mức nếu thiếu TPP\"

07:31 | 12/11/2016
Chia sẻ
Đang có nhiều lo lắng về số phận của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. TBKTSG Online trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang. Ảnh: TL

TBKTSG Online: Bà cảm nhận như thế nào về số phận của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau kết quả bầu cử của Mỹ?

- Bà NGUYỄN THỊ THU TRANG: Đang có nhiều lo lắng là TPP sẽ không được Mỹ thông qua do tổng thống mới không có thiện cảm nhiều với các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và TPP nói riêng. Mấy hôm nay, mọi người hỏi tôi rất nhiều về việc này. Cá nhân tôi không thể đoán được ông Trump sẽ làm gì tiếp theo. Có một số chính trị gia cho rằng, đó (không ủng hộ TPP) là chiến thuật bầu cử của cả ông Trump và bà Clinton để lấy phiếu của nhóm cử tri ở giữa, những người cho rằng các FTA lấy mất việc làm của Mỹ.

Tuy nhiên, về mặt cá nhân, tôi có thể nói không có gì chắc chắn là Mỹ không ký cả. Có thể sẽ mất thời gian hơn. Hạ viện Nhật Bản đã qua TPP cho thấy, các nước họ bình tĩnh hơn trong câu chuyện này, thúc giục Mỹ phê chuẩn, và không mất hoàn toàn hy vọng vào TPP.

TBKTSG Online: Với Việt Nam thì sẽ như thế nào, nếu không có TPP?

- Đặt ra việc không có TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào với Việt Nam là hơi sớm. Đôi khi ta không nên lo lắng quá mức không cần thiết. Song, cứ thử đặt giả thiết, vài năm tới chưa có TPP thì nó sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của Việt Nam như thế nào? Cá nhân tôi cho rằng, các lợi ích mà TPP mang lại không chỉ là lợi ích kinh tế trực tiếp như thuế suất, tiếp cận thị trường rộng lớn. Điều quan trọng hơn là tác động về mặt thể chế. Với TPP hay các FTA mới gần đây thì Việt Nam có thêm sức ép và tiêu chuẩn cải cách thể chế.

Thời gian qua Việt Nam đã cải cách thể chế rất nhiều. Tuy nhiên, cải cách cũng được, không cũng được; cải cách 30% hay 50% cũng được, không sao cả nếu thiếu TPP.

Ví dụ, cổ phần hóa DNNN không ai ép ta cả. Đặt mục tiêu xong không thực hiện được cũng không sao cả. Nhưng với TPP và FTA với EU thì có sức ép về tiêu chuẩn và lộ trình để đổi mới thể chế. Dù hai hiệp định này chưa có hiệu lực, thì việc Việt Nam thay đổi thể chế, sửa đổi pháp luật theo sức ép và tiêu chuẩn của nó là rất tốt cho Việt Nam. Đổi mới hệ thống thể chế là cái tốt đầu tiên. Cứ cho tình huống xấu nhất là TPP không được thông qua, thì Việt Nam đã được lợi trong thay đổi thể chế.

Từ lúc bắt đầu đàm phán đến nay đã diễn ra sự thay đổi nhận thức lớn. Đó là cái mà TPP mang lại. Tất cả đều hướng đến cải cách từ lĩnh vực nhỏ, chi tiết là kiểm tra chuyên ngành, đến lĩnh vực lớn hơn là tái cơ cấu kinh tế, luật pháp,… Chuyện đó chỉ tốt cho Việt Nam.

TBKTSG Online: Nhưng nếu không có TPP thì Việt Nam đâu có sức ép về thời gian và tiêu chuẩn để cải cách thể chế theo lộ trình nghiêm ngặt?

- Về pháp lý, Việt Nam bắt buộc phải sửa đổi các luật từ trước đó để chuẩn bị cho lúc TPP có hiệu lực. Nhưng nếu không có TPP, thì Việt Nam cũng không dứt khoát phải sửa. Phải đặt ra vấn đề, hệ thống pháp luật phải sửa đổi cho tương thích thì TPP mới có hiệu lực, chứ không phải đợi TPP có hiệu lực rồi mấy năm sau mới sửa đổi thì không được. Điều này có nghĩa, không phải tất cả dừng lại hết. Việt Nam phải tiếp tục quá trình thay đổi thể chế cho tương thích.

TBKTSG Online: Trong những lĩnh vực nổi cộm nhất hiện nay như lao động công đoàn, mua sắm công, cải cách DNNN,… trong TPP, thì đâu là lĩnh vực khó khăn nhất với Việt Nam?

- Sẽ có những lĩnh vực chịu tác động rất lớn, chẳng hạn, như lao động vì nó thay đổi hoàn toàn về mặt quan điểm tiếp cận. Hệ thống đòi hỏi thay đổi nhiều, từ hệ thống pháp luật, đến tổ chức thực hiện,… Rất nhiều việc.

Hai là mua sắm công. Các cam kết về mua sắm công trong TPP, cũng giống như lĩnh vực lao động, nó ngoặt hẳn sang hướng khác. Hiện nay Việt Nam chưa mở mua sắm công cho đối tác nước ngoài. Lâu nay, khi vay ODA thì nhà tài trợ yêu cầu phải cho doanh nghiệp của họ vào. Còn nếu là tiền của Việt Nam không thì không có chuyện nước ngoài tham gia đâu. Nhưng bây giờ thì phải thay đổi với TPP. Đó là vấn đề lớn.

Còn ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tạo thuận lợi thương mại, minh bạch, cải cách DNNN thì chỉ là những sửa đổi nhỏ thôi. Câu chuyện không phải nằm ở hệ thống văn bản, mà ở thực thi.

Theo tôi biết, Bộ Tư pháp và Chính phủ đang rà soát những vấn đề liên quan đến sự tương thích của hệ thống pháp luật và TPP. Tuy nhiên, việc rà soát mới chỉ cơ học thôi, và rất sơ bộ.

Theo Tư Hoàng