|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyện cũ minh bạch

21:37 | 04/11/2016
Chia sẻ
Ngày 28-10-2016, Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với vốn điều lệ 2.318 tỉ đồng có phiên giao dịch đầu tiên trên UpCom. Ba ngày gần nhất, ngày nào Habeco cũng tăng trần hết biên độ 15%/ngày với khối lượng giao dịch 100-150 đơn vị/phiên. 100 cổ phiếu là đơn vị giao dịch tối thiểu trên UpCom.

Vốn lớn, nhưng Nhà nước và cổ đông chiến lược Carlsberg của Đan Mạch (kể cả Carlsberg Indochina sở hữu 0,15%) nắm giữ tới 99,02%, nên số cổ phiếu có thể giao dịch nằm trong tay cổ đông nhỏ lẻ chỉ nhỉnh hơn 2,2 triệu đơn vị. Đa phần cổ đông nhỏ lẻ đã mua cổ phiếu Habeco từ khi tổng công ty IPO năm 2008 với giá 50.000 đồng. Họ đã đợi tới tám năm để có giá ngày 1-11-2016 là 72.100 đồng/cổ phiếu. Mức giá trên có lẽ chưa bằng gửi tiết kiệm chừng ấy năm, nhất là những năm 2010-2011 lãi suất cao chót vót. Với tình trạng lệnh mua giá trần chất vài trăm ngàn đơn vị ngay đầu giờ sáng, không biết giá Habeco còn “chạy” tới đâu.

Cầu cao, cung thấp, giá lên, đó là chuyện thị trường và do thị trường quyết định. Tuy nhiên câu chuyện của Habeco đang được doanh nghiệp và giới đầu tư, giới tài chính theo dõi sát vì theo thỏa thuận giữa Carlsberg và cơ quan chủ quản của Habeco hồi IPO, cổ đông chiến lược có quyền ưu tiên mua thêm cổ phiếu nếu Nhà nước tiếp tục thoái vốn sau này. Giờ Nhà nước chuẩn bị thoái vốn khỏi Habeco, liệu Carlsberg có được ưu tiên mua nữa không? Thỏa thuận đã ký kết phải được tôn trọng, nhưng như thế thì liệu tới đây Habeco có chào bán qua đấu giá cạnh tranh và ai trả giá cao thì mua được?

Minh bạch vốn dĩ là một trong những vấn đề được cả giới đầu tư trong lẫn ngoài nước đề cập nhiều nhất tại thị trường Việt Nam. Bảy, tám năm trước khi thị trường chứng khoán khủng hoảng, giá cổ phiếu lao dốc bất chấp doanh nghiệp tốt, xấu, những công ty lớn IPO thành công với giá cao xem như có phần nào yếu tố may mắn. Nay thị trường ấm lại, cải cách doanh nghiệp quốc doanh, thoái vốn nhà nước được chú trọng, người mua nhiều hơn, thì điều kiện tiên quyết là càng ngày chúng ta càng phải minh bạch hơn. Quy trình thoái vốn không những phải công khai, mà sự minh bạch phải xuất phát từ trong nhận thức, tư tưởng, quan điểm.

Gần đây hàng loạt quy định yêu cầu các doanh nghiệp đã IPO phải nhanh chóng đăng ký giao dịch trên UpCom. Cái đó là cần thiết vì niêm yết giúp nhà đầu tư có nơi mua bán cổ phiếu, cổ phiếu có thị giá hàng ngày để Nhà nước dựa vào đó tham khảo cho việc thoái vốn tiếp theo. Song, như thế không có nghĩa là niêm yết cho có, nhất là với những doanh nghiệp tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn quá cao. Vô số doanh nghiệp trên UpCom có vốn điều lệ khủng vài ngàn tỉ đồng/đơn vị, nhưng Nhà nước vẫn đang giữ trên 90%. Tất nhiên có thể ai đó cho rằng những tổng công ty ấy to quá, bán ngay một lúc thì chỉ có bán rẻ mới tìm được người mua, mà bán rẻ là thất thoát tài sản nhà nước. Họ nhận định cứ lên sàn, rồi dần dần sẽ bán được, nhà đầu tư sẽ mua.

Thị trường đâu có đơn giản vậy. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cộng với sự minh bạch thông tin mới tạo ra sức hấp dẫn giới đầu tư. Đừng nghĩ chỉ cần tổng công ty to, được Nhà nước ưu ái, mà thông tin u u minh minh là có thể “quay” nhà đầu tư. Nếu hiệu quả kinh doanh của anh còn thấp, nhưng anh công khai minh bạch cái yếu kém và vạch ra được một hướng đi khắc phục để trở nên tốt, giới đầu tư sẽ có một cái nhìn khác, chấp nhận và kỳ vọng.

Để khuyến khích sự minh bạch, hàng năm trong Hội nghị doanh nghiệp niêm yết thường niên, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hnx) bao giờ cũng tôn vinh những doanh nghiệp thực hiện tốt nhất việc công bố thông tin và minh bạch. Một trong những khía cạnh của sự minh bạch mà Hnx đặt trọng tâm là quản trị doanh nghiệp. Đánh giá về doanh nghiệp niêm yết, Hnx đưa ra 102 tiêu chí (có lẽ quá nhiều chăng) chia theo nguyên tắc cốt lõi của quản trị công ty. Ở đây không chỉ là việc thực hiện các tiêu chí theo thông lệ quốc tế về quản trị công ty, mà còn là sự tự nguyện công bố thông tin cũng như đánh giá chiều sâu của thông tin công bố.

Theo kết quả đánh giá sơ bộ của Hnx, trong số 344 doanh nghiệp niêm yết trên sàn phía Bắc, theo thang điểm 100%, điểm minh bạch bình quân của các công ty là 51,3%, tăng 0,5% so với năm ngoái. Xem ra sự chuyển biến về độ minh bạch chưa tiến triển. Ngoài ra điểm số bình quân 51,3% chỉ hơn quá bán chút xíu. Điều đó có nghĩa không ít nhà đầu tư đang giải ngân vào hàng trăm cổ phiếu mà độ minh bạch ở mức đáng ngại.

Ngẫm lại, ít nhất doanh nghiệp niêm yết còn công bố thông tin và báo cáo tài chính hàng quí dù có thể chậm trễ. Xuất hiện vấn đề bất thường với cổ phiếu, họ cũng phải giải trình, mặc dù giải trình thường sơ sài. Còn đó hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp quốc doanh, kể cả các “ông lớn”, chưa bao giờ minh bạch thông tin, công bố báo cáo tài chính. Quy định mới nhất bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải công bố báo cáo tài chính hàng năm, và công khai nhưng số đơn vị thực hiện vẫn còn quá ít. Thế thì làm sao đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước cho được?

Hải Lý