Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất chưa thể sớm đảo chiều
Nhận định về triển vọng các kênh đầu tư, CEO Chứng khoán VIG - bà Nguyễn Thu Hằng cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn không ít vấn đề, đòi hỏi cần nhiều thời gian hơn nữa để hồi phục. Thị trường vàng thường kém sôi động, chịu nhiều ảnh hưởng yếu tố vĩ mô, thế giới, khó hấp dẫn NĐT. Việc gửi tiền tiết kiệm cũng ít thu hút hơn trước do xu hướng lãi suất huy động giảm.
Trong khi đó, TTCK lại đang hấp dẫn, thu hút đông đảo NĐT. Trong tháng 8, thị trường ghi nhận hơn 188.000 tài khoản cá nhân mở mới, nâng tổng số từ đầu năm lên 720.000 tài khoản. Số lượng tài khoản hiện đã xấp xỉ 7,6 triệu tài khoản và vẫn đang hướng đến mục tiêu 10% dân số (khoảng 10 triệu tài khoản) vào năm 2030. Qua đó, bà Hằng đánh giá TTCK vẫn đang kênh đầu tư hấp dẫn và còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Đại diện câu lạc phân tích thuộc VASB, ông Bùi Nguyên Khoa, chỉ ra môi trường lãi suất thấp cùng với kết quả kinh doanh cải thiện là các yếu tố chính thu hút dòng tiền vào TTCK.
“Với phiên sụt giảm mạnh hơn 55 điểm ở ngày 18/8 nhưng chỉ số đã nhanh chóng phục hồi và trở lại trên mốc 1.200 điểm vào thời điểm cuối tháng. Trong suốt giai đoạn phục hồi từ cuối tháng 4/2023 đến nay, thanh khoản thị trường liên tục bùng nổ và đạt mức trung bìnhh hơn 20.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 8/2023 (tương đương giai đoạn đỉnh cao của TTCK ở năm 2021), phản ánh sự kỳ vọng của NĐT về triển vọng cuối năm 2023.
Nỗ lực liên tiếp giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang có tác động tích cực giúp TTCK Việt Nam vẫn duy trì được sự hấp dẫn trong thời gian qua. Đặc biệt là trong tháng 8, sự hấp dẫn của thị trường đã được phản ánh rõ.”, ông Khoa nhận định.
Lạm phát giảm, dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến và kỳ vọng từ các đợt hạ lãi suất tiếp theo trong 2023 đã hỗ trợ VN-Index tăng gần 40% so với mức đáy vào 11/2022 và đưa mức P/E giao dịch vượt -1 độ lệch chuẩn lên tiệm cận mức trung bình.
Theo ông Khoa, so với các quốc gia trong khu vực thì VN-Index đang có mức tăng trưởng EPS dự phóng ở vùng khá hấp dẫn. Điều này có ý nghĩa tích cực với việc thu hút dòng vốn ngoại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong khoảng 2 - 3 năm tới.
Góc nhìn về thị trường hiện tại, ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổng Giám đốc CTCP VICK, cho rằng TTCK chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố lớn, bao gồm chính sách, nội tại của thị trường và dòng tiền.
Về chính sách, Việt Nam vẫn đang ủng hộ xu hướng tiếp tục tăng trưởng. Về định giá, ở góc nhìn khách quan, thị trường đang ở mức 12,8 lần, theo ông Điệp không thực sự còn rẻ (như mức dưới 10 lần). Ông Điệp dự báo thị trường sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu EPS trượt năm 2023 có thể tăng 12%.
Theo nhà phân tích này, Fed vẫn có thể duy trì mặt bằng lãi suất ở mức khá cao trong thời gian tới, nhưng lãi suất Việt Nam vẫn điều tiết phù hợp. Dòng tiền trên thị trường có thể đến từ đầu cơ hay đầu tư, song đều đang có tính ổn định cao, biểu hiện là thanh khoản tháng 8 đã đạt đến 20.000 tỷ đồng/phiên, cho thấy dòng tiền đang dồi dào.
Ở khía cạnh rủi ro, chỉ số DXY (Dollar Index, chỉ số được sử dụng để đo sức mạnh của đồng USD so với một số đồng tiền khác) đang tăng cao trong ngắn hạn, đòi hòi phía Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp ứng phó. NĐT đang lo lắng nếu các giải pháp không có tác động đáng kể, lãi suất sẽ được nâng lên trở lại, và theo đó tác động tiêu cực đến TTCK.
Tuy nhiên vị này dự báo khả năng chính sách lãi suất đảo chiều trong cuối 2023 qua nửa đầu năm 2024 là rất thấp. Do đó, thị trường khó có chuyện “gãy đổ” trong thời gian tới, xu hướng tăng trưởng vẫn được duy trì.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hồng Điệp, T.S Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM cũng cho rằng mặt bằng lãi suất Việt Nam sẽ khó tăng trong những tháng tới.
Liên quan đến yếu tố dòng tiền, ông Huân đánh giá động thái rút tiền về qua phát hành tín phiếu mới đây của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý. Dự kiến điều này sẽ này còn tiếp tục cho đến khi chênh lệch giữa VNĐ và USD mất đi. Lãi suất liên ngân hàng dự kiến sẽ nâng lên, song sẽ không cao. Điều này được đánh giá tốt cho hệ thống do rút lại dư thừa thanh khoản.
Tồn tại sự liên thông nhưng câu chuyện rút tiền qua phát hành tín phiếu chưa chắc sẽ tác động đến TTCK. Ông Huân đánh giá biến động mạnh trên TTCK vừa qua chỉ mang yếu tố tâm lý.
Nói thêm về tỷ giá, ông Huân nhận định Việt Nam có tính ổn định hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Ở góc nhìn khác, việc ổn định tỷ giá cũng có điểm bất lợi. Với chính sách tỷ giá ổn định (neo theo USD), một số trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lại gặp bất lợi so với các nước khác khi đồng USD biến động. Vị chuyên gia đặt ra một đề xuất chính sách có thể linh hoạt hơn, khi đó tỷ giá có thể biến động mạnh theo thị trường, song đem lại lợi ích cho hoạt động xuất khẩu.