Chứng khoán phái sinh bùng nổ phiên 6/4, lần đầu tiên cả 4 hợp đồng tương lai cùng tăng trần
Phiên đầu tuần 6/4, thị trường chứng khoán đồng loạt tăng mạnh sau những thông tin tích cực về tình hình dịch COVID-19 trong nước và sự hồi phục của giá dầu thế giới.
Kết phiên, VN-Index tăng 34,95 điểm (4,98%) lên 736,75 điểm; chỉ số VN30 cũng tăng 5,16% lên 682,65 điểm. Thị trường tràn ngập sắc xanh và tím với 585 mã tăng giá, trong đó 164 mã tăng trần.
Sự tích cực trên thị trường chứng khoán cơ sở khiến thị trường phái sinh cũng giao dịch sôi động. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng kịch trần, thậm chí còn dư mua hàng nghìn hợp đồng tại giá cao nhất phiên.
Cụ thể, hợp đồng tương lai tháng 4 tăng 42,9 điểm (6,99%) lên 656,8 điểmm, lấy lại toàn bộ mức điểm đã mất trong hai tuần trước đó. Các hợp đồng còn lại đều tăng từ 42 đến 43 điểm.
So với đáy thiết lập vào ngày 31/3, đa số hợp đồng đều ghi nhận mức hồi phục khoảng 80 điểm. Trong đó, hợp đồng gần ngày đáo hạn nhất VN30F2004 hồi từ 578,7 điểm lên 656,8 điểm.
Sau phiên bứt phá hôm nay, chênh lệch giữa chỉ số cơ sở và các hợp đồng phái sinh đã thu hẹp đáng kể từ mức trên 40 điểm xuống còn trên 25 điểm, cho thấy tâm lí lo ngại của nhà đầu tư đã phần nào giảm bớt.
Trước đó, thị trường chứng khoán cơ sở cũng như thị trường phái sinh đã trải qua chuỗi lao dốc khi dịch COVID-19 bùng phát. Thậm chí, các hợp đồng tương lai đồng loạt giảm sàn trong phiên 23/3.
Cùng với những biến động lớn về giá, thanh khoản thị trường phái sinh cũng tăng vọt với khối lượng giao dịch trung bình lên tới trên 200.000 hợp đồng mỗi phiên.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, thanh khoản hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt khối lượng bình quân 173.827 hợp đồng/phiên trong tháng 3/2020, tăng 29,81% so với tháng trước. Trong đó, phiên đạt mức cao nhất vào 13/3 hơn 232 nghìn hợp đồng, tăng 13,4% với mức cao nhất của tháng 2.
Nhà đầu tư cá nhân vẫn là thành phần giao dịch chủ yếu với 87,82% thanh khoản thị trường, trong khi đó tỉ trọng của nhà đầu tư tổ chức trong nước giảm giảm xuống 11,49% toàn thị trường. Tỉ trọng giao dịch tự doanh của Công ty chứng khoán chiếm 1,03%.