Chứng khoán năm 2024 được dự báo tăng lên 1.300 - 1.350 điểm
2024 phải chắt lọc cơ hội một cách cẩn thận
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong nhịp điều chỉnh sâu từ giữa tháng 9 đến nay, VN-Index mất hơn 100 điểm từ đỉnh. Chia sẻ trong buổi toạ đàm với chủ đề "Định vị chiến lược đầu tư trước ngưỡng cửa năm Rồng" diễn ra chiều ngày 4/10, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS, cho rằng xu hướng giảm vừa qua một mặt đồng pha với diễn biến thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, giới đầu tư trong nước lo ngại về việc Fed tiếp tục nâng lãi suất trong những tháng cuối năm, về sự suy giảm tăng trường của Trung Quốc, đặc biệt về những chính sách trong nước khi ngân hàng nhà nước sử dụng trở lại công cụ tín phiếu để hút ròng tiền đồng khỏi hệ thống trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, đợt điều chỉnh vừa qua đã đưa định giá P/E thị trường xuống xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 10% so với P/E trung bình ba năm. Trong tương quan giữa lãi suất huy động và định giá thị trường, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mức tương đương giai đoạn 2021 – 2022, trong khi định giá thị trường hiện nay vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2021 – 2022 khoảng 16,7%. Vậy điều này có thể chứng tỏ định giá thị trường hiện tại đã trở nên hấp dẫn hơn.
Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Hiệp Hòa, Giám đốc Đầu tư MB Capital đánh giáthị trường chung hiện đang ở trạng thái không đắt cũng không rẻ. Thời điểm thị trường rẻ nhất là đáy COVID-19 có P/E khoảng 10,4 lần, với đáy tháng 11/2022 P/E khoảng 9,2 lần khi VN-Index quanh 870 điểm. Đỉnh gần nhất trong 5 năm gần đây P/E khoảng 20,8 – 21 lần.
"Do đó chúng ta vẫn đang ở lưng chừng. Nếu khả năng nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và mở rộng liên tục như đợt COVID-19 được áp dụng thì chúng ta có thể mơ mộng về một chỉ số P/E cao như vậy, nhưng thực tế có thể thấy rõ rằng giai đoạn tiền rẻ đã ở trong quá khứ, bây giờ là giai đoạn cần phải chắt lọc các cơ hội một cách cẩn trọng hơn cũng như tiến hành quản trị rủi ro danh mục chặt chẽ hơn”, ông Đỗ Hiệp Hòa chia sẻ.
Tổng quan về thị trường năm tới, Giám đốc MB Capital nhận định là nămđan xen giữa thách thức và cơ hội, thách thức lớn nhất vẫn là những biến số vĩ mô của kinh tế thế giới và Việt Nam. Cơ hội là câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2025 với tính khả thi cao hơn khi có những bước đi về việc triển khai, vận hành thử hệ thống KRX.
VN-Index có thể tăng lên ngưỡng 1.300 - 1.500 điểm năm 2024
Tại sự kiện ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích Cổ phiếu, Khối Nghiên cứu MBS đưa ra dự báo về doanh nghiệp và thị trường. Cụ thể, nhóm nghiên cứu MBS ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp trên toàn thị trường chỉ có thể đạt mức 3,6%, chủ yếu do trụ đỡ từ nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng khoảng 10%, trong khi những nhóm ngành khác đều ghi nhận mức tăng trưởng âm. Đặc biệt trong năm 2023, điểm rơi lợi nhuận của thị trường có thể rơi vào quý IV.
Sang năm 2024, MBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt tăng 16,8%, động lực chủ yếu đến từ những lĩnh vực được phục hồi so với năm 2023 như bán lẻ, vật liệu cơ bản, hàng hoá, điện, ngân hàng. Điểm rơi lợi nhuận trong năm 2024 có thể vào quý III với mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 30%.
Dựa trên kịch bản tăng trưởng lợi nhuận trên kết hợp với dự báo P/E năm 2024 đạt khoảng 12 – 12,5 lần, MBS đưa ra kịch bản cơ sở (xác suất 70%) VN-Index có thể đạt 1.300 – 1.340 điểm, đóng cửa năm 2023 ở 1.260 điểm. Cơ sở đưa ra kịch bản này là lãi suất điều hành của Fed tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 11 sau đó giảm từ quý III/2024. Mặt bằng lãi suất trong nước giữ nguyên như hiện tại hoặc giảm thêm 50 điểm cơ bản.
Với kịch bản kém khả quan hơn (xác suất 30%), VN-Index đạt 1.170 – 1.230 điểm. Kịch bản này dựa trên biến số Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn. Trong quý IV năm nay Fed vẫn sẽ tăng lãi suất điều hành thêm một lần, tuy nhiên có thể giữ mặt bằng lãi suất ở mức cao trong cả năm 2024.
Trong kịch bản này, thị trường có thể gặp áp lực lớn về tỷ giá, ngân hàng nhà nước có thể có những động thái để kiểm soát rủi ro về tỷ giá bằng việc nâng lãi suất điều hành thêm 25 – 50 điểm cơ bản. Trong bối cảnh này, lợi nhuận của toàn thị trường sẽ chỉ đạt mức tăng khoảng 10% do chi phí lãi vay cao hơn, đồng thời P/E có thể chỉ ở mức 11,5 - 12 lần do mặt bằng lãi suất cao hơn.
“Có thể thấy kể cả trong kịch bản tiêu cực, mức điểm VN-Index vẫn cao hơn mức điểm hiện tại, do đó nhà đầu tư có thể phần nào có góc nhìn lạc quan hơn với thị trường”, ông Nguyễn Tiến Dũng đưa quan điểm.