Chưa nới khung thuế môi trường với xăng lên 8.000 đồng
Lý do xin rút dự luật này được Chính phủ giải thích là cần có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là vấn đề mở rộng đối tượng chịu thuế có tác động xấu đến môi trường.
Khách hàng bơm xăng tại một cây xăng ở TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Ngoài ra, theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2019, một số mặt hàng xăng, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut... đã được điều chỉnh lên mức trần trong khung thuế suất hiện hành. Dầu hoả, than đá, thuốc diệt cỏ... chưa điều chỉnh đến mức kịch khung thuế suất. |
Do vậy, Chính phủ cho rằng cần có thời gian để các quy định mới "đi vào cuộc sống". Trên cơ sở này, cấp có thẩm quyền sẽ đánh giá cụ thể tác động của việc điều chỉnh khung thuế đối với định hướng sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trước đó, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường được Bộ Tài chính soạn thảo, đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng một lít.
Từ 1/1/2019, thuế môi trường với xăng dầu đã tăng kịch trần từ 3.000 lên 4.000 đồng một lít. Thuế môi trường với các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng, như dầu hoả tăng lên 1.000 đồng một lít; dầu diesel lên 2.000 đồng một lít... Với mức tăng thuế này, mỗi lít xăng cũng "gánh" thêm 1.000 đồng do tăng thuế môi trường.
Giá mỗi lít xăng bán lẻ đã tăng thêm 940 đồng từ đầu tháng 3 do tác động tăng mạnh từ thị trường thế giới. Hiện mỗi lít xăng E5 RON 92 ở mức 17.210 đồng, xăng RON 95 18.540 đồng.