|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chưa hoàn thành nghĩa vụ công bố thì báo cáo tài chính chưa có giá trị

23:49 | 24/09/2016
Chia sẻ
Dân chúng đang quan tâm đến việc quản trị nhà nước sẽ trở nên minh bạch hơn, khi điều 15 dự thảo Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước (nhằm hướng dẫn điều 29 của Luật Kế toán 2015) quy định rằng từ năm 2018, Bộ Tài chính và các tỉnh, thành phải có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính nhà nước lên mạng để người dân được biết và thực hiện giám sát.
 3140
Đối với thu chi ngân sách, không thể ghi tiền bán quyền sử dụng đất là thu ngân sách thường xuyên, mà phải ghi là bán tài sản. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Làm sao để các cơ quan nhà nước tuân thủ nghiêm túc quy định này?

Kinh nghiệm từ việc đăng công báo

Năm 1996, Quốc hội ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặt ra nghĩa vụ công bố thông tin tại điều 10. Theo đó, tất cả bộ ngành phải chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ đăng công báo các VBQPPL do mình ban hành trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký hoặc ngày công bố.

Nhưng rồi suốt trong vòng năm năm, khoảng một phần ba các VBQPPL của các bộ ngành không bao giờ được gửi đăng công báo, hai phần ba còn lại được gửi đăng thì ít khi đúng hạn 15 ngày. Bất chấp việc các cơ quan nhà nước vi phạm nghĩa vụ, thời hạn công bố, các văn bản đó vẫn có hiệu lực, người dân vẫn phải đi tù, bị xử phạt theo các văn bản này. Mặc cho học giả, báo chí kêu gào, không thay đổi là không thay đổi.

Chỉ đến khi điều 4 của chương VI Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ ký kết năm 2001, hoàn toàn không đặt ra nghĩa vụ phải đăng công báo, hoàn toàn không đặt ra đe dọa sẽ xử lý trách nhiệm pháp lý người vi phạm; chỉ đưa ra một dòng gồm 17 chữ: “VBQPPL chỉ có giá trị áp dụng sau khi đăng công báo”. Ngay lập tức, Nhà nước Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL để đưa dòng này vào.

Với dự thảo Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước, liệu công chúng có thể trông chờ các cơ quan nhà nước sẽ tuân thủ nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính?

Dự thảo thiếu vắng gì?

Điều 15 dự thảo nghị định này đặt ra hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính nhà nước. Và các điều sau đó đặt ra các cơ chế kiểm tra, giám sát giống như Luật Ban hành VBQPPL 1996 đã từng làm. Nhưng toàn bộ Luật Kế toán 2015 cũng như dự thảo nghị định nêu trên thiếu vắng điều quan trọng nhất: Nếu các cơ quan nhà nước không chấp hành thời hạn và hình thức công khai báo cáo tài chính nhà nước thì có ai bị cách chức không? Báo cáo tài chính đó có giá trị pháp lý không? Câu trả lời hoàn toàn mông lung. Nhưng hệ quả thì sẽ rất rõ ràng: tình trạng sẽ diễn ra giống như nghĩa vụ công bố VBQPPL.

Nên chăng chúng ta dùng giải pháp mà điều 4, chương VI Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ đã từng áp dụng. Theo đó, điều 15 dự thảo nghị định cần bổ sung khoản 4 như sau:

“Báo cáo quyết toán ngân sách sẽ chưa có giá trị chừng nào cơ quan có thẩm quyền chưa hoàn thành nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính tương ứng. Khi vi phạm thời hạn công bố tại khoản 3, người có thẩm quyền ký sẽ bị kỷ luật khiển trách; người phụ trách công tác văn phòng của cơ quan công bố bị kỷ luật cách chức, trừ khi có lý do chính đáng và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận”.

Ngoài ra, khoản 2, điều 15 dự thảo hiện nay tạo ra khe hở cho các cơ quan nhà nước thoái thác, khi quy định hình thức công bố chỉ trên cổng thông tin điện tử, vốn hay bị lỗi trục trặc kỹ thuật và cơ quan nhà nước dễ dàng vin vào lỗi này để tạo ra sự trục trặc trong công bố báo cáo tài chính nhà nước và công chúng sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận các báo cáo tài chính nhà nước trong thực tế.

Vì vậy, điểm c, khoản 2 cần sửa thành:

“Các cơ quan có thẩm quyền tại điểm a, điểm b phải đồng thời gửi cùng ngày báo cáo tài chính nhà nước tới tất cả các cơ quan truyền thông báo chí cấp tỉnh và tới ít nhất năm tờ nhật báo quốc gia. Tất cả công dân đều được quyền yêu cầu văn phòng UBND, Văn phòng Bộ Tài chính cung cấp bản sao toàn văn báo cáo tài chính nhà nước trên cơ sở trả phí”.

Và nội dung điểm c, khoản 2 trong dự thảo hiện nay đưa xuống thành điểm d.

TS. Võ Trí Hảo