|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chưa được phê duyệt đầu tư vẫn ký hợp đồng cho thuê đất

20:13 | 15/12/2017
Chia sẻ
Một doanh nghiệp chỉ mới đề xuất thành lập cụm công nghiệp, chưa được chưa được phê duyệt đã ký hợp đồng cho thuê đất, cắm bảng hiệu giao đất.

Trong khi thông tin về "dự án" được "chủ đầu tư" công bố rầm rộ thì chính quyền địa phương khẳng định khu đất dự án vẫn là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích.

chua duoc phe duyet dau tu van ky hop dong cho thue dat

Các bảng hiệu được Công ty NTD cắm trên đất nông nghiệp tại xã Đông Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận (ảnh chụp ngày 3-12-2017) - Ảnh: Đ.TRONG

Chưa được quy hoạch đã ký hợp đồng

Thời gian gần đây, rộ lên thông tin "cụm công nghiệp Đông Hà" (xã Đông Hà, huyện Đức Linh, Bình Thuận) đã "lấp đầy hơn 50%.

Đến tháng 2-2018, dự án sẽ được xem xét thành lập khu công nghiệp (KCN) Hàn Quốc NTD" xuất hiện tràn lan trên các trang thông tin điện tử.

Kèm theo đó là thông tin "Tập đoàn NTD" đã đề xuất xây dựng khu công nghiệp Hàn Quốc tại tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích 450ha.

Dự án có tổng vốn đầu tư tới 141 triệu USD (tương đương hơn 3.200 tỉ đồng), sẽ giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động.

Trong văn bản gửi đến cơ quan chức năng, "Tập đoàn NTD" cũng khẳng định hiện đang có hàng chục khách hàng đã ký hợp đồng tại "khu công nghiệp Đông Hà", chưa kể vài chục khách hàng "đang chờ chủ trương để ký hợp đồng".

Tuy nhiên, khi tìm đến "cụm công nghiệp Đông Hà" vào những ngày đầu tháng 12-2017, trước mắt chúng tôi là khu đất trống vẫn chưa được đầu tư hạ tầng đường, điện, nước...

Tại khu đất này, "chủ đầu tư" cho cắm nhiều bảng tên các công ty nước ngoài (đã thuê đất) với diện tích khác nhau, từ 5.000-100.000m2.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, khẳng định thông tin cụm công nghiệp Đông Hà đã được thành lập và "lấp đầy" hơn 50% là sai sự thật.

"Việc thành lập cụm công nghiệp Đông Hà mới chỉ là đề xuất của chủ đầu tư, còn có thành lập được hay không phải được các cơ quan địa phương thẩm định, rồi phải thỏa thuận với Bộ Công thương để bổ sung quy hoạch", ông Kính cho biết.

Cũng theo ông Kính, để ký hợp đồng cho thuê lại hạ tầng khu công nghiệp hay cụm công nghiệp, chủ đầu tư phải đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh.

Trong khi dự án tại Đông Hà còn chưa được phê duyệt, nếu có doanh nghiệp nhân danh là chủ đầu tư khu công nghiệp để ký hợp đồng với người khác là bất hợp pháp.

chua duoc phe duyet dau tu van ky hop dong cho thue dat

Khu đất nông nghiệp đang được xin làm cụm công nghiệp - Ảnh: Đ.TRONG

Năng lực chủ đầu tư, chỉ nghe tự giới thiệu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền thân của Công ty NTD là Công ty khoai mì NTD, sau đổi tên thành Công ty TNHH khu công nghiệp NTD, trước khi lập công ty mới là Công ty TNHH khu công nghiệp Đông Hà.

Trong tài liệu giới thiệu với cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, ông Bùi Cảnh Trung Sơn (người Hàn Quốc đã nhập quốc tịch Việt Nam), người đại diện pháp luật của Công ty NTD, cho biết "Tập đoàn NTD" có kinh nghiệm hàng chục năm, hiện kinh doanh 4 ngành chính với 13 công ty con.

Tuy nhiên, theo thông tin trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, pháp nhân xin làm khu công nghiệp là "Công ty TNHH khoai mì NTD" mới được thành lập tháng 4-2017 với vốn điều lệ 20 tỉ đồng, sau đó đổi tên thành "Công ty TNHH khu công nghiệp NTD".

Tháng 9-2017, Công ty TNHH khu công nghiệp Đông Hà mới được thành lập với vốn điều lệ 110 tỉ đồng.

Tất cả các công ty này đều đăng ký vốn góp của ông Bùi Cảnh Trung Sơn và một cá nhân khác. Ngoài ra, ông Sơn cũng nắm giữ đến 99% cổ phần của Công ty CP Tập đoàn NTD.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tỉnh - Phó chủ tịch UBND huyện Đức Linh - cho biết đây là huyện khó khăn, nên rất kỳ vọng khi có nhà đầu tư về giới thiệu dự án hoành tráng.

Tuy nhiên, năng lực nhà đầu tư tới đâu cũng mới chỉ căn cứ vào các lời tự giới thiệu, văn bản của Công ty NTD chứ không có tài liệu nào khác để chứng minh như báo cáo kiểm toán, chứng thư bảo lãnh ngân hàng...

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Bùi Cảnh Trung Sơn cho rằng sở dĩ công ty không chứng minh năng lực tài chính với huyện vì "đang làm việc với tỉnh".

Với thông tin "cụm công nghiệp Đông Hà đã lấp đầy trên 50%", ông Sơn cho biết công ty không cung cấp thông tin này nhưng do các báo đã "hiểu lầm ý" khi trao đổi với ông.

Ông Lương Văn Hải - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận - cũng khẳng định UBND tỉnh chưa quyết định cấp phép thành lập cụm công nghiệp Đông Hà, đồng thời đã "nhắc nhở" chủ đầu tư phải thông tin chính xác về tình trạng pháp lý của dự án để tránh gây ngộ nhận, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.

"Xé nhỏ" diện tích để "lách luật"?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 18-10, ông Lương Văn Hải - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận - đã ký văn bản nêu rõ "việc thành lập khu công nghiệp NTD vào thời điểm này chưa đủ điều kiện", nên thống nhất để Công ty NTD thành lập 2 cụm công nghiệp với diện tích mỗi cụm 70ha tại xã Đông Hà.

Một chuyên gia cho rằng văn bản này có dấu hiệu bất thường và "lách luật". Theo đó, việc chấp thuận cho Công ty NTD làm 2 cụm công nghiệp cạnh nhau (cùng địa bàn xã Đông Hà) với tổng diện tích lên tới 140ha, UBND tỉnh Bình Thuận đã "lách luật" bằng cách "xé nhỏ" thành 2 cụm công nghiệp để chỉ xin ý kiến Bộ Công thương, thay vì phải xin ý kiến Chính phủ để làm khu công nghiệp.

Ngoài ra, theo nghị định 68/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong trường hợp địa bàn huyện đã có cụm công nghiệp, tỉ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp hiện hữu phải đạt trên 50% mới được xem xét phát triển cụm công nghiệp mới.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, huyện Đức Linh quy hoạch 6 cụm công nghiệp, nhưng do không thu hút được đầu tư nên đã phải loại bỏ 3 cụm.

Hiện còn 3 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích 95,3ha với tỉ lệ lấp đầy mới chỉ 50,82%, nhưng một số cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp này hiện ngưng hoạt động.

BÁ SƠN - ĐỨC TRONG - TIẾN LONG