|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh: Kinh doanh khí hóa lỏng, hợp tác với Vingroup để ứng phó nhu cầu xăng dầu giảm

07:22 | 02/04/2019
Chia sẻ
Tập đoàn nhà nước Petrolimex là đơn vị cung cấp nhiên liệu chủ yếu cho hơn 40 triệu xe máy của Việt Nam. Hiện tập đoàn này đang đặt mục tiêu đa dạng hóa hoạt động trước nguy cơ nhu cầu xăng dầu trong dài hạn sẽ chậm lại.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) hiện vận hành khoảng 5.000 trạm xăng trên cả nước với tốc độ mở mới khoảng 70 trạm mỗi năm nhờ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức cao 7%/năm.

Tuy nhiên nhà nhập khẩu xăng dầu này đang thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động, chẳng hạn như phát triển một đầu mối nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và lắp đặt thêm bộ sạc cho xe điện và mở cửa hàng tiện ích tại các trạm xăng. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei Asian Review, Chủ tịch HĐQT Petrolimex ông Phạm Văn Thanh đã nói rõ hơn về kế hoạch này của tập đoàn.

Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh: Kinh doanh khí hóa lỏng, hợp tác với Vingroup để ứng phó nhu cầu xăng dầu giảm - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Petrolimex. Ảnh: Petrolimex.

Hỏi: Petrolimex đã quyết định rút lui khỏi kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu thứ ba tại Việt Nam. Ông có thể nói gì về quyết định này?

Ông Phạm Văn Thanh: Tập đoàn nhà nước PetroVietnam (PVN) hiện đang vận hành một nhà máy lọc dầu, một nhà máy khác do Idemitsu Kosan của Nhật Bản vận hành từ năm 2018. Công suất lọc dầu của hai cơ sở này có thể đáp ứng khoảng 90% nhu cầu xăng trong nước.

Hiện rất khó để nhận được ưu đãi về thuế và các loại ưu đãi khác từ chính phủ Việt Nam giống như hai nhà máy kia đã nhận được.

Chúng tôi vẫn chưa từ bỏ kế hoạch mà thay vào đó xem xét việc xây dựng một cơ sở đầu mối nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chúng tôi đã kí một biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị đang xây dựng một nhà máy điện khí. Cơ sở đầu mối nhập khẩu sản phẩm xăng dầu của chúng tôi có thể được sử dụng, và do vậy chúng tôi nghĩ thỏa thuận này phù hợp với hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng.

Hỏi: Nhu cầu đối với mặt hàng xăng được dự báo giảm, Petrolimex chuẩn bị ứng phó thế nào?

Ông Phạm Văn Thanh: Nhu cầu xăng được dự báo tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm, tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (khoảng 6 – 7% mỗi năm). Chúng tôi không kì vọng môi trường kinh doanh sẽ có nhiều biến động trong 5 năm tới. Tuy nhiên về dài hạn, chúng tôi sẽ phải có phương án chuẩn bị cho việc ô tô điện hay xe máy điện ngày càng trở nên phổ biến.

Chúng tôi đã bắt đầu hợp tác với Tập đoàn Vingroup, dự kiến cho ra mắt xe điện trong năm 2019. Chúng tôi cũng đã triển khai lắp đặt các bộ sạc điện ở trạm xăng của Petrolimex, mục tiêu là trạm xăng nào cũng có bộ sạc cho xe điện.

Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh: Kinh doanh khí hóa lỏng, hợp tác với Vingroup để ứng phó nhu cầu xăng dầu giảm - Ảnh 2.

Tổng giám đốc Petrolimex Phạm Đức Thắng và Phó chủ tịch - Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang kí, trao Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai Tập đoàn ngày 8/11/2018. Ảnh: Petrolimex.

Hỏi: Petrolimex sẽ làm gì để giúp các trạm xăng của mình có tính cạnh tranh cao hơn?

Ông Phạm Văn Thanh: Chúng tôi muốn tận dụng kĩ năng quản trị của JXTG Nippon Oil & Energy (một nhà đầu tư Nhật Bản sở hữu 8% cổ phần tại Petrolimex). Chúng tôi sẽ tăng cường kết hợp các trạm xăng với cửa hàng tiện lợi. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ mở thử nghiệm các điểm kết hợp này tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2019.

Khi kết hợp cây xăng với cửa hàng tiện lợi và tạp hóa, diện tích đất cần tới sẽ lớn hơn nhiều so với trước. Vì vậy, chúng tôi sẽ ưu tiên việc phá đi và xây lại hoàn toàn các trạm xăng. Chúng tôi sẽ theo đuổi mục tiêu khiến các trạm xăng của mình trở nên thân thiện hơn với khách hàng thông qua việc tạo quan hệ tốt với những người vận hành cửa hàng tiện lợi.

Hỏi: Số lượng các trạm xăng tự phục vụ đang tăng lên

Ông Phạm Văn Thanh: Chúng tôi hiện có khoảng 30 trạm xăng tự phục vụ và có kế hoạch mở rộng mạnh mạng lưới này. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia chuộng sử dụng tiền mặt, và thẻ tín dụng vẫn chưa phổ biến.

Chúng tôi không thể bê nguyên thông lệ của nước khác vào Việt Nam. Vì thế, chúng tôi sẽ vận hành mô hình này theo phương thức phù hợp với thị trường Việt Nam đồng thời đánh giá phản ứng của khách hàng.

Hỏi: Có thông tin cho biết Tập đoàn JXTG sẽ tách ra một công ty là Marifu Refinery tại Nhật Bản và sẽ bán cổ phần của công ty tách ra này cho Petrolimex. Ông bình luận gì về việc này?

Ông Phạm Văn Thanh: Hiện tại tôi chưa thể đưa ra bình luận cụ thể nào, nhưng chúng tôi đang tổ chức các cuộc thương lượng với JXTG về việc thành lập một liên doanh với tỉ lệ góp vốn chia đều 50-50.

Chúng tôi đã báo cáo lên chính phủ Việt Nam mong muốn của mình. Vì quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ, tôi không biết liệu chúng tôi có thể thành lập một liên doanh vào tháng 4 (như kế hoạch trước đó) hay không.

Song Ngọc