|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Petrolimex: 'Chiến lược đúng đắn là chìa khóa của thành công'

16:48 | 27/02/2017
Chia sẻ
Kết quả đạt được của năm 2016 là hệ quả của việc tái cấu trúc Tập đoàn Petrolimex trên cơ sở phát hành cho cổ đông chiến lược JX và vận hành theo cơ chế thị trường. 

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Mã giao dịch: PLX) đang trở thành hiện tượng trên thị trường OTC khi được giới đầu tư liên tục săn lùng tìm mua. Nhu cầu này càng tăng mạnh trước thời điểm PLX chuẩn bị hoàn tất các thủ tục để niêm yết trên sàn HOSE khiến cho giá cổ phiếu tăng từng ngày. Theo thông tin cập nhật mới nhất từ giới đầu tư OTC chuyên nghiệp, mức giá 4x của cổ phiếu này đã được thiết lập và thỏa thuận trên thị trường sau khi Tập đoàn chính thức công bố mức lãi kỷ lục 6.300 tỷ trước thuế năm 2016.

Việc tăng giá nhanh chóng của PLX trong một thời gian ngắn khiến cộng đồng giới đầu tư hết sức bất ngờ, tuy nhiên có một người khá​ bình thản khi được biết giá hiện tại của PLX, đó là ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Cách đây 2 năm khi giá cổ phiếu PLX trên thị trường OTC chỉ giao dịch quanh mức 10.000 đồng/cp, ông Bảo đã đàm phán thành công với Tập đoàn xăng dầu Nhật Bản JX NiPpon Oil & Enegy (JX), với mức giá trên 39.000 đồng/cp. Thương vụ này, theo ông Bảo là “không hề gặp bất lợi trong việc đàm phán giá”. Đợt phát hành này có giá trị lên tới trên 4.000 tỷ đồng , được Petrolimex thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế, “hoàn toàn minh bạch đến từng chi tiết nhỏ nhất”.

Tháng 6/2016, Petrolimex chính thức công bố JX đã trở thành cổ đông chiến lược của công ty, và cái bắt tay của hai ông trùm xăng dầu đã cho một kết quả không thể tốt hơn: Năm 2016, Petrolimex báo lãi cao nhất kể từ ngày thành lập Tập đoàn 12 tháng 1 năm 1956.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn Petrolimex đã có những trao đổi thẳng thắn về tình hình hoạt động cũng như triển vọng phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới.

chu tich petrolimex chien luoc dung dan la chia khoa cua thanh cong

Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo

Thưa ông, Petrolimex đã hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2011, nhưng bên cạnh đó mặt hàng xăng dầu lại chịu sự điều tiết của Nhà nước để tránh các ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung. Điều này có gây khó khăn cho hoạt động của Tập đoàn?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Trong 10 năm qua, đã có 3 Nghị định và 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức kinh doanh xăng dầu. Kể từ năm 2003 khi Quyết định 197 ra đời đến năm 2014, đây là giai đoạn giá dầu lên xuống rất mạnh mà đỉnh điểm năm 2008 giá dầu lên đến 147 USD/thùng. Nhà nước có chính sách đảm bảo tính ổn định nền kinh tế vĩ mô nên mặc dù các Nghị định về tổ chức kinh doanh xăng dầu ra đời nhưng vẫn phải có can thiệp điều hành giá tại từng thời điểm thích hợp; dẫn đến kết quả kinh doanh của tất cả các công ty xăng dầu không chỉ riêng Petrolimex đều không phản ánh trung thực về hiệu quả kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Cho tới khi Nghị định 83 ra đời năm 2014, thị trường xăng dầu đã hội tụ tương đối đầy đủ điều kiện về hạ tầng, chính sách thuế, xu hướng hội nhập và đưa ra cơ chế vận hành theo thị trường. Thực tế này đã được phản ánh hết sức trung thực và rõ nét qua kết quả kinh doanh năm 2015 và 2016 của Tập đoàn. Ngay từ năm 2014 Petrolimex đã bắt đầu rất tốt, nhưng biến cố cuối năm 2014 giá dầu rơi thẳng đứng đã tác động tiêu cực với các doanh nghiệp có tồn kho lớn như Tập đoàn nên quý cuối cùng đã cuốn đi thành quả của Petrolimex trong 3 kỳ báo cáo đầu năm.

Theo ông năm 2016 có phải năm đã hội tụ tất cả các yếu tố thuận lợi nhất của Petrolimex?

Kinh doanh xăng dầu là ngành hàng rủi ro. Petrolimex chưa bao giờ xác định đây là đỉnh. Kết quả đạt được của năm 2016 là hệ quả của việc tái cấu trúc Tập đoàn trên cơ sở phát hành cho JX và vận hành theo cơ chế thị trường. Chúng tôi đã rà soát và tái cấu trúc lại Tập đoàn từ tiết giảm chi phí, hợp lý hóa và kết cấu lại tài chính, cơ cấu hàng tồn kho…

"Triết lý kinh doanh của Petrolimex là nếu chúng tôi đã đầu tư sẽ phải luôn nằm trong số các doanh nghiệp hàng đầu của lĩnh vực đó." Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo

Tất nhiên năm 2015, 2016 một số hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã bổ trợ cho các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị tốt như Petrolimex, góp phần chuyển hóa một số thuận lợi khách quan thành hiệu quả tài chính.

Điều đó cho thấy công tác chuẩn bị để vận hành theo thị trường sau khi Tập đoàn cổ phần hóa năm 2011 đã giúp Petrolimex nắm bắt được cơ hội, tạo nguồn lực thực hiện lộ trình phát triển để trở thành một nhà cung cấp xăng dầu thiên hướng bán lẻ với hệ thống cửa hàng phủ kín địa bàn cả nước.

Hiện Petrolimex có hơn 5.200 điểm bán lẻ với hệ thống hơn 2.400 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành cả nước. Điều quan trọng là năng suất trên từng cửa hàng cao gấp 3 mặt bằng chung, phân bố mạng lưới hợp lý, uy tín thương hiệu và dịch vụ vượt trội cả về chất và lượng.

Vậy các công ty con của Tập đoàn hoạt động ngoài lĩnh vực xăng dầu tăng trưởng ra sao thưa ông?

Petrolimex không chỉ nhận biết là tập đoàn kinh doanh xăng dầu chiếm hơn 50% thị phần toàn thị trường, mà các hoạt động khác cũng đóng góp ổn định 30% doanh thu và 40% lợi nhuận toàn tập đoàn.

Chiến lược dài hạn của Petrolimex là lấy kinh doanh xăng dầu làm trục chính và mở ra các lĩnh vực kinh doanh có quan hệ mật thiết với kinh doanh xăng dầu, chứ không đầu tư dàn trải cho dù lĩnh vực đó mang lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Triết lý kinh doanh của Petrolimex là nếu chúng tôi đã đầu tư sẽ phải luôn nằm trong số các doanh nghiệp hàng đầu của lĩnh vực đó.

Tổng công ty Vận tải Xăng dầu PGTanker sở hữu đội tàu viễn dương lớn nhất trong mảng xăng dầu, với xà lan chi phối 40- 50% thị trường về vận tải thủy đường sông, lĩnh vực hóa dầu của Tổng công ty Hóa dầu PLC bao gồm dầu nhờn nhựa đường, hóa chất công nghiệp đều là ngành hàng có thị phần và ảnh hưởng số 1; Tổng công ty GAS PGC có hệ thống bán lẻ lớn nhất và phủ kín 63 tỉnh thành, về mảng bảo hiểm, PJICO đang là một trong số các doanh nghiệp bảo hiểm có thị trường thuộc 5 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất.

Sau gần 1 năm JX trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty, ông có nhận thấy sự thay đổi đáng kể nào trong cơ cấu quản trị của Tập đoàn?

Song hành với chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ, việc lựa chọn cổ đông chiến lược được đánh giá là khâu quan trọng. JX khá tương đồng với Petrolimex và có thị phần chiếm 50% thị phần xăng dầu tại Nhật Bản sau một chuỗi các hoạt động tái cấu trúc và sáp nhập. JX đã hỗ trợ xuyên suốt thông qua hợp đồng đối tác chiến lược dài hạn giúp Petrolimex thay đổi phương thức quản trị tiên tiến và bổ trợ cho những gì còn thiếu tại Petrolimex như năng lực quản trị, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ cũng như tiếp cận dự án qui mô lớn. Hai bên đang khẩn trương cập nhật báo cáo khả thi dự án nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong, dự kiến nếu các điều kiện khách quan thuận lợi sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai sau năm 2020.

Sự kết hợp với JX sẽ giúp cơ cấu vốn của Petrolimex vận hành theo đúng lộ trình Chính phủ quy định và tiến ra thị trường quốc tế. Việc tổ chức phát hành chuẩn bị nguồn vốn phục vụ phát triển sẽ đảm bảo được nguồn tài chính lành mạnh.

Ngoài ra chúng tôi cũng mở rộng ra thị trường nước ngoài bằng việc thâu tóm công ty Chevron tại Lào, công ty có mạng lưới bán lẻ nhưng do thị trường nhỏ , ban đầu hoạt động không hiệu quả, nhưng sau khi Petrolimex vào triển khai đã có lãi ngay năm đầu, từng bước khẳng định vị thế bán lẻ ở Lào, tương tự tiến tới thị trường Singapore và thị trường khác.

Về định hướng dài hạn trong 5, 10 năm tới, bức tranh của ngành phân phối xăng dầu nói chung và Petrolimex nói riêng sẽ ra sao thưa ông, sau khi các nhà máy lọc dầu mới như Nghi Sơn đi vào hoạt động?

Trong xu thế hội nhập của VN, việc chuyển sang cơ chế thị trường ở tất cả lĩnh vực trong đó có lĩnh vực năng lượng là điều không thể đảo ngược. Định hướng dài hạn của Petrolimex vẫn đáp ứng nhu cầu an ninh về năng lượng nhưng hướng tới hội nhập tốt hơn, phát triển theo hướng bền vững theo chuẩn mực quốc tế.

chu tich petrolimex chien luoc dung dan la chia khoa cua thanh cong

Ông Bùi Ngọc Bảo đến thăm một cơ sở xăng dầu

Khi các nhà máy lọc dầu mới đi vào hoạt động, nguồn cung cấp có thể thay đổi về đường vận động hàng hóa nhưng Petrolimex vẫn tiếp tục duy trì mạng lưới bán lẻ. Lợi nhuận chủ yếu ở khâu lưu thông còn lọc dầu dù trong nước hay bên ngoài đều phải cạnh tranh theo giá quốc tế. Với một số nhà máy lọc dầu trong nước, khi sản phẩm của các nhà máy này ra thị trường sẽ giúp cho PLX phần tạo nguồn tốt hơn.

Trong xu thế hội nhập của VN, việc chuyển sang cơ chế thị trường ở tất cả lĩnh vực trong đó có lĩnh vực năng lượng là điều không thể đảo ngược. Định hướng dài hạn của Petrolimex vẫn đáp ứng nhu cầu an ninh về năng lượng nhưng hướng tới hội nhập tốt hơn, phát triển theo hướng bền vững theo chuẩn mực quốc tế.

Các nhà máy lọc dầu trong nước không thể nâng cao giá bán mà phải cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài trong xu thế các nhà máy lọc dầu đang dư thừa. Ngoài ra hiện nay Petrolimex đang cung cấp cho thị trường một số mặt hàng chất lượng cao mà một số nhà máy lọc dầu trong nước chưa đáp ứng được nên một số sản phẩm vẫn phải nhập, điều này sẽ giúp tạo ra thị trường cạnh tranh.

Ngoài ra thời gian tới, Tập đoàn có thể tổ chức thêm các dịch vụ gia tăng tại các cửa hàng xăng dầu như minimart, đẩy mạnh hoạt động phi xăng dầu.. Điều này nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn bởi qua kiểm chứng các hoạt động này mang lại lợi nhuận rất ổn định và cao.

Petrolimex cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với JX trong hoạt động nghiên cứu, phát triển để đảm bảo Tập đoàn luôn giữ vị thế chủ động trước các biến đổi của thị trường xăng dầu, hóa dầu nói riêng và năng lượng nói chung, đặc biệt là các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Về cơ bản thì các giai đoạn trong chiến lược phát triển của Petrolimex đang được thực hiện theo đúng lộ trình.

Với mô hình công ty cổ phần, nhất là khi Tập đoàn đã có cổ đông chiến lược thì áp lực của các cổ đông luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải có lợi nhuận lớn, cổ tức cao, trong khi mặt hàng xăng dầu vẫn phải chịu điều tiết của nhà nước để tránh ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát chung. Với vai trò là thuyền trưởng của Tập đoàn, ông có cảm thấy áp lực?

Tất nhiên các nhà đầu tư luôn đặt kỳ vọng rất cao. Như tôi đã trao đổi, xu hướng chuyển sang cơ chế thị trường ở tất cả lĩnh vực trong đó có lĩnh vực năng lượng là không thể đảo ngược.

Khi có đối tác chiến lược, Tập đoàn đã xây dựng lộ trình đến 2023 tăng trưởng đều hàng năm gắn với tăng trưởng chung của thị trường, chú trọng gia tăng đáng kể lợi nhuận , phấn đấu duy trì tỉ số lợi nhuận trên vốn (ROE) ở mức cao so với mặt bằng doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Sẽ rất áp lực nhưng tôi và các đồng nghiệp cho rằng với tiềm năng của Petrolimex còn ấp ủ trong khả năng hoạt động thì về dài hạn chắc chắn sẽ đáp ứng được kỳ vọng của các cổ đông.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai