|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Mỹ Lan Group và hành trình đi tìm hạnh phúc ở quê nhà

07:48 | 24/10/2019
Chia sẻ
Từ mơ ước thành lập một cơ xưởng để mọi người trong làng quê đều có công việc làm, TS Nguyễn Thanh Mỹ đã rời bỏ sự nghiệp thành công ở nước ngoài để về quê hương Trà Vinh lập nghiệp.

Tuổi thơ bán cà rem, bánh mì

TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan là con cả trong một gia đình nghèo có 5 anh em, sinh sống tại làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Năm lên 9 tuổi, cha ông bỏ mẹ và anh em ông, lấy vợ mới rồi đi biệt xứ.

Chủ tịch Mỹ Lan Group và hành trình đi tìm hạnh phúc ở quê nhà - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ.

Cả tuổi thơ doanh nhân này phải mưu sinh bằng cách rong ruổi khắp các nẻo đường để bán cà rem và bánh mì, thời gian còn lại thì đi học lóm. Nhưng cuối cùng với nỗ lực và trí thông minh sẵn có, chàng trai Trà Vinh Nguyễn Thanh Mỹ đã tốt nghiệp Trường Đại học Phú Thọ (bây giờ là Đại học Bách khoa TP.HCM). Năm 1979, chàng trai Nguyễn Thanh Mỹ sang sinh sống tại Canada. Tại xứ người, để kiếm sống, tự nuôi mình trong suốt 12 năm trời, chàng trai Nguyễn Thanh Mỹ phải làm đủ nghề: rửa chén, làm bếp, bồi bàn...

Ký ức một lần nữa quay lại, cũng trong 7 năm vừa học vừa bươn chải mưu sinh, Nguyễn Thanh Mỹ giành được một lúc hai học bổng (NSERC và FCAR), bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về “Chất xúc tác dị thể” và tiến sĩ về “Hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang”. Sau đó, ông được nhận vào làm ở một số công ty điện toán và in ấn như: IBM, Sun Chemical và Kodak Polychrome Graphics. Đến năm 1997, chàng trai Nguyễn Thanh Mỹ chính thức ra ngoài tự mở hãng và chính thức đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh.

Từng bị gọi "Việt kiều té giếng"

Đang có sự nghiệp thành công ở nước ngoài, năm 2004, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Mỹ Lan Group chọn Trà Vinh là nơi tái khởi nghiệp khi quay lại Việt Nam.

Trở về Việt Nam một mình để kinh doanh, đầu tư xây dựng nhà máy, muốn tạo cho người lao động Việt Nam môi trường làm việc với chất lượng, mức lương như ở Canada với mong muốn thực hiện ước mơ lớn nhất trong đời là: trở về quê hương để đầu tư, giúp quê hương phát triển.

"Lúc đó, bạn bè tôi biết chuyện tôi bỏ hết việc tại Mỹ và Canada để về khởi nghiệp ở Trà Vinh đều nói tôi điên. Còn nhiều người dân ở Trà Vinh nói tôi là "ông Việt Kiều bị té giếng", TS Nguyễn Thanh Mỹ nói.

Việc bỏ lại sự nghiệp đang thành công để theo đuổi ý tưởng xây dựng tập đoàn Mỹ Lan tại vùng đất còn nghèo khó thuộc huyện Châu Thành (Trà Vinh) của ông vấp phải muôn vàn rào cản, thiếu nhân lực, cơ sở hạ tầng yếu kém.

"Khi tôi về, trong khu công nghiệp Long Đức cũng không có đường, thiếu nhân sự chuyên môn phù hợp, cộng đồng xung quanh nghèo trách nhiệm, nghèo cả về sự tự tế,…cơ quan ban ngành tư duy lạc hậu và khi nào cũng nghi ngờ.

Tôi biết người Việt Nam rất thông minh nhưng thiếu môi trường văn minh để sáng tạo. Tôi chỉ mang tiêu chuẩn Canada về Trà Vinh, xây dựng hãng xưởng sang trọng và rộng đẹp để người trong quê, trong làng tôi tha hồ sáng tạo.

Vì không có nhân sự chuyên môn nên tôi đã hợp tác với trường Đại học Trà Vinh thành lập khoa Khoa học ứng dụng và làm khoa trưởng từ năm 2007-2017.

Tôi đứng lớp thì sinh viên cũng phải đứng học, sinh viên phải tải các bài tôi dạy đăng trên website để học trước khi vào lớp và đặt câu hỏi.

Trước khi học phải thi 15 phút, sau đó tôi bốc câu hỏi ra để trả lời vì học rồi. Theo tôi, đứng học thì dễ tiếp thu hơn ngồi học.

Một khi đặt câu hỏi, trong đầu phải tự nghĩ cách giải quyết vấn đề, còn nếu bị người khác hỏi thì mình chỉ kiếm cách đối phó chứ không giải quyết vấn đề. Do đó nên dạy sinh viên đặt câu hỏi thay vì bắt họ phải trả lời câu hỏi của mình, TS Nguyễn Thanh Mỹ nhớ lại.

Những vấp váp ban đầu đã khiến ông nhận ra một điều "muốn nhanh thì phải từ từ". Ngoài tự xây dựng hạ tầng cho doanh nghiệp, cần phải giải được bài toán về nhân lực, vì thế, ông đã tự đào tạo nhân lực cho công ty thông qua liên kết với các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trong khu vực.

Tìm thấy hạnh phúc ở quê nhà

"Và cho đến hiện nay thì Việt kiều té giếng đã thành công. Theo tôi, muốn thành công trên con đường khởi nghiệp, bước đầu tiên phải xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp. Còn về việc tạo ra sản phẩm, mình cứ thấy những gì mà người ta có nhu cầu, cộng đồng cần thì mình đưa ra ý tưởng. Với tôi, là lãnh đạo thì cần phải hỗ trợ và giúp đỡ nhân viên của mình, để có thể làm việc được tốt hơn", TS Nguyễn Thanh Mỹ khẳng định.

TS Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ: "Từ ước mơ, khát vọng rồi hành động, giờ đây tôi tìm thấy hạnh phúc ở quê nhà. Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc của con người khi thực hiện được ước mơ của mình và giúp người khác thực hiện được ước mơ của họ."

Ngay từ khi trở về Việt Nam, doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ luôn xác định thành lập các tập đoàn, công ty dựa trên 3 nền tảng gồm sáng tạo, minh bạch và trách nhiệm cộng đồng.

Để thu hút những ứng viên thực hiện tốt 3 giá trị cốt lõi trên, đồng thời có năng lực, tâm huyết, đủ sức bật trí tuệ phát triển theo hướng công ty quốc tế, thì ngoài việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ còn chú trọng đến việc sự trung thực, tuân thủ pháp luật cho đội ngũ nhân sự, đặc biệt là lãnh đạo cấp trung và cấp cao. Theo đó, bài học đầu tiên là bài học làm người, tôn trọng tập thể, tuân thủ kỷ luật để thay đổi tư duy từ những điều rất cơ bản, thường ngày.

Ông hướng dẫn nhân viên từ cách ăn, cách nói, đến cách giao tiếp, cách phục vụ người khác trong từng bữa ăn, cách bài trí mỗi bàn làm việc. Bàn làm việc nào cũng có cây xanh và những bức hình gia đình, như một nơi neo đậu tình cảm thiêng liêng, ấm áp cho từng mái ấm. Bởi theo ông, gia đình có yên ấm, trật tự, thì công ty, xã hội mới bình yên, phát triển bền vững.

Chia sẻ kinh nghiệm làm việc với những nhân viên trẻ tuổi, làm sao để hiểu và khuyến khích tinh thần làm việc của họ, theo ông, điều quan trọng là cần sự lắng nghe, chia sẻ của người lãnh đạo.

Bên cạnh đó, công ty chế độ đãi ngộ tốt, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc tốt. Nếu chọn được lĩnh vực có thể giúp ích cho xã hội, sẽ khơi dậy được tinh thần của người trẻ.

"Tôi cũng thường hay nói chuyện với nhân viên của mình rằng mình muốn gì ở họ, giao quyền và để cho họ tự làm, tôi sẽ là người theo sát, hỗ trợ chứ không bắt buộc họ phải làm theo ý của mình.

Tôi thấy khi làm sếp, nhất là những doanh nghiệp có những doanh nhân trẻ, rất nhiều bạn thường hay bắt nhân viên làm theo ý của mình.

Hãy cứ để họ tự phát huy khả năng của họ, hình chỉ là người đứng sau dõi theo, tiếp thu và áp dụng những ý tưởng sáng kiến mà họ làm để có thể giúp đỡ cộng đồng", TS Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ.

Thêm một lời khuyên cho những người bắt đầu khởi nghiệp, chủ tịch Mỹ Lan Group cho rằng, cần nhìn nhận bản thân mỗi người đã đủ kiên nhẫn, sự chuẩn bị, tìm hiểu về thị trường và những ai đã từng làm hay chưa. Việc soi vào chính bản thân là điều quan trọng nhất trước khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ từng đạt danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008, giải thưởng của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, Bằng khen của Bộ Ngoại Giao và Bộ Công Thương trao tặng vào các năm 2004, 2005, 2006; Bằng khen của UBND Tỉnh Trà Vinh vào các năm 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011 và 2012.; Giải vàng về công nghệ sáng tạo do phòng thương mại Canada trao tặng năm 2002; Giải vàng về công nghệ sản xuất hiệu quả do phòng thương mại Canada trao tặng năm 2004; Giải bạc Công nghệ Tiên Tiến của Công ty Dainippon Ink and Chemicals (Nhật Bản), 1997; Giải thưởng Thành tựu Phát minh của Công ty Sun Chemical (Hoa Kỳ), năm 1995 và 1996,...

Nha Trang