|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch FPT Telecom: Tìm đủ mọi cách nhưng chưa thể giải quyết được tình trạng nghẽn mạng khi lượng người dùng tăng đột biến

11:09 | 09/09/2021
Chia sẻ
Nói về những phản ánh nghẽn mạng thời gian qua, Chủ tịch FPT Telecom bày tỏ công ty đã tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể nào giải quyết được bài toán này nhất là vào lúc cao điểm, chẳng hạn như đợt vừa qua một lúc 10 triệu học sinh nhập học online
Chủ tịch Hoàng Nam Tiến ví học sinh nhập học online như 10 triệu người Sài Gòn cùng lúc đi qua cầu Rạch Miễu, FPT Telecom muốn ngủ đông cũng không thể - Ảnh 1.

Ông Hoàng Nam Tiến Chủ tịch HĐQT FPT Telecom tại diễn đàn chiều 8/9. (Ảnh chụp màn hình).

Tại Diễn đàn trực tuyến Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi diễn ra chiều 8/9, ông Hoàng Nam Tiến Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom - Mã: FOX) đã có những nhận định về những khó khăn của doanh nghiệp (DN) trong đợt dịch thứ 4 và đề xuất giải pháp để DN sống sót được qua mùa dịch.

Hiện Việt Nam có 800.000 DN trong khi 8 tháng đầu năm đã có gần 85.000 DN phải phá sản hoặc tạm dừng hoạt động so COVID-19, số liệu từ Tổng Cục Thống kê.

Tuy nhiên ông Tiến nhận định "tình hình đã xấu đi rất nhiều" khi trong hơn 21.500 DN tham gia trả lời khảo sát trong 11 ngày từ 12/8 đến 22/8, 69% doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Chỉ có 15% DN hoạt động bình thường và phần lớn tại các thành phố chưa có nhiều ca nhiễm.

Trong đó, 31% trong số doanh nghiệp đang gắng gượng duy trì hoạt động phải cắt giảm lao động dưới các hình thức cắt lương, giảm giờ làm, giảm nhân sự,... Chủ tịch FPT Telecom cho biết có hơn cả triệu công nhân ở Bình Dương, TP HCM, Vũng Tàu,... đã không có việc làm và chỉ trụ được cùng lắm trong hai tháng.

Chủ tịch Hoàng Nam Tiến ví học sinh nhập học online như 10 triệu người Sài Gòn cùng lúc đi qua cầu Rạch Miễu, FPT Telecom muốn ngủ đông cũng không thể - Ảnh 2.

Kết quả khảo sát Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và báo VnExpress thực hiện khảo sát hơn 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ về vấn đề của riêng tập đoàn, ông Tiến cho rằng những DN liên quan đến dịch vụ, du lịch,... có thể đang phải ngủ đông nhưng ngoài kia rất nhiều DN khác cũng muốn ngủ đông nhưng không dám, trong đó có FPT Telecom.

"Nếu như ngày xưa đứt mạng, khách hàng chấp nhận chờ đợi 4 - 5 tiếng nhưng bây giờ chúng tôi cần phải khắc phục ngay lập tức", ông Tiến chia sẻ. Bởi vì trong điều kiện mọi thứ điều diễn ra online, người người nhà nhà phải làm việc trực tuyến liên tục và họ khó chấp nhận sự gián đoạn, đại diện FPT Telecom nói.

Thời gian qua, nhiều người phản ánh tình trạng nghẽn mạng nhất là vào lúc cao điểm, chẳng hạn như đợt vừa qua, tình trạng một lúc 10 triệu học sinh nhập học online và ông Hoàng Nam Tiến ví von "điều này giống như 10 triệu người Sài Gòn cùng đi qua cầu Rạch Miễu" (cầu nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre).

"Chúng tôi đã tăng băng thông, tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể nào đáp ứng được", Chủ tịch FPT Telecom giải bày.

Trước vấn đề này, FPT Telecom nhận ra bất kể DN cũng cần vắc xin giống như con người cần vắc xin để sống được qua thời đại COVID-19. Vậy một DN đang hoạt động online phải cần những gì để đứng vững qua mùa dịch, làm sao giải được bài toán tối ưu năng suất và tiết kiệm chi phí.

Vấn đề đặt ra trong quá trình làm việc qua mạng internet, DN phải cần có hệ thống giao việc và nhận việc chất lượng. Trong khi hình thức giao việc bằng giấy đã không còn phù hợp, thiếu hiệu quả, ông Tiến nói.

Làm việc từ xa và không nhìn thấy nhau đặt ra yêu cầu DN cần phải có công cụ quản lý năng suất lao động. Tiếp đến nữa, DN cần hệ thống nhằm liên lạc với khách hàng và trao đổi giữa các nhân viên với nhau.

Ông Hoàng Nam Tiến cho biết phía công ty đã cho ra đời loại vắc xin "eCovax1", đây sẽ là vắc xin giúp các DN kinh doanh không bị gián đoạn, đáp ứng ba tiêu chí không chạm, không gián đoạn và không bị động.

Hiện ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT có chủ trương sẽ miễn phí loại vắc xin này cho các DN trong năm đầu tiên.

Minh Hằng