|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chủ tịch Đỗ Minh Phú: TPBank cấp tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, sẽ giải ngân ngay trong tuần

15:31 | 11/02/2025
Chia sẻ
Lãnh đạo TPBank kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt nâng tỷ lệ vốn đầu tư công lên 70% đối với dự án này và đề xuất NHNN không tính vào room tín dụng với các khoản cấp vốn cho dự án BOT.

Ông Đỗ Minh Phú -Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) phát biểu tại hội nghị sáng 11/2. (Ảnh: TPBank).

Tại buổi làm việc cùng Thường trực Chính phủ sáng 11/2, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Đỗ Minh Phú cho biết các ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp. 

Ông kiến nghị cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Và với đà phục hồi của nền kinh tế như hiện tại, ông tin rằng mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu 16% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt ra là hoàn toàn khả thi.

Lãnh đạo TPBank cũng bày tỏ nỗ lực của ngân hàng trong việc thúc đẩy vốn ra nền kinh tế, nhất là cho vay BOT đặc biệt là Dự án Hữu Nghị Chi Lăng và cho vay nhà ở xã hội (NOXH), tín dụng xanh,…

Trong năm 2024, TP Bank đã tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao là 20,25%. Đáng chú ý, TP Bank đã giảm lãi suất cho vay với khoảng 1.900 tỷ đồng cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo đó, TPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên khi tham gia vào cho vay NOXH. Đầu tiên TPBank đã cam kết rằng sẽ tham gia 5.000 tỷ và đến thời điểm này thì đã cho vay khoảng gần 80 tỷ. Với mục tiêu tham gia vào tín dụng xanh, đến cuối năm 2024, TPBank đã giải ngân và cấp tín dụng các dự án với khoảng 7.378 tỷ.

Ông Phú cho hay ngân hàng đã tích cực tham gia vào một trong ba đột phá quan trọng là về hạ tầng, cụ thể là tham gia cấp vốn cho các dự án BOT, đây làmột lĩnh vực khá khó.

Cụ thể, với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000 km cao tốc trong năm nay, ngân hàng đã tham gia nhiều dự án cao tốc. TPBank đã ký hợp đồng tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sẽ giải ngân ngay trong tuần này.

"Đến thời điểm này TPBank đã cho vay cho các dự án BOT là 7.897 tỷ đồng, không phải chỉ dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, mà còn các dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án đường ven biển Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng và các dự án của tỉnh Long An – đường 830", ông Phú chia sẻ.

Chủ tịch TPBank cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị rất cụ thể. Ông cho biết tại thời điểm này có một số dự án khó khăn, là dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh thì Thủ tướng đã cho phép điều chỉnh vốn đầu tư công lên 70% nhưng mà với Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng thì tại thời điểm này lại chưa được giải quyết.

Do vậy, mặc dù ngân hàng rất chủ động giải ngân luôn, nhưng mà nếu như được đồng ý nâng vốn công lên 70% thì chắc chắn là nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn và ngân hàng cũng thấy rằng việc đồng hành đảm bảo hơn trong việc thu hồi vốn.

"Lượng vốn tín dụng cho các dự án BOT là khá lớn. Tôi rất mong NHNN sẽ xem xét đối với ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT thì có thể cho phép được sử dụng vốn, không tính vào room tín dụng", ông Phú đề xuất.

Ông cũng kỳ vọng một số dự án nhà ở bị vướng các thủ tục pháp lý hay điều kiện về mặt quy hoạch sớm được giải quyết để ngân hàng có thể đồng hành với doanh nghiệp cùng phát triển.

H.T

Quyết định của ông Trump tác động ra sao đến triển vọng cổ phiếu thép?
Theo một số nhà phân tích trong nước, thị trường Mỹ chiếm khoảng 13% khối lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2024, nên mức thuế mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các công ty niêm yết. Trong khi đó, triển vọng với ngành thép năm 2025 vẫn tương đối tích cực.