|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Cổ phần hoá chưa quyết liệt nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý

17:33 | 23/05/2022
Chia sẻ
Năm 2021, thu từ cổ phần hóa rất thấp, chỉ đạt 4.402 tỷ đồng, bằng 11% dự toán trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển mạnh, là điều kiện thuận lợi để có thể thoái vốn.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu ra thực trạng cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Ông Thanh cho rằng: "Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn rất chậm, không hoàn thành mục tiêu.

Thu từ cổ phần hóa rất thấp, chỉ đạt 4.402 tỷ đồng trên 40.000 tỷ đồng, bằng 11% dự toán trong khi thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển mạnh, là điều kiện thuận lợi để có thể thoái vốn".

"Kết quả trên cho thấy, chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất hạn chế. Tổ chức thực hiện chưa quyết liệt nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh cắt màn hình trên VTC1).

Trước đó, tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).

Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Đức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong số đó có nguyên nhân chủ quan từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa... 

Hoàng Kiều

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.