Chủ đầu tư Khu đô thị Vibex 50ha vừa được duyệt quy hoạch từng vướng nhiều tai tiếng
Hà Nội sắp có thêm khu đô thị rộng gần 50 ha tại quận Bắc Từ Liêm |
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị Vibex, tỷ lệ 1/500 tại phường Đức Thắng, Đông Ngạc và Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm. Theo bản quy hoạch này, diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 48,5 ha với dân số dự kiến khoảng 7.000 người.
UBND thành phố Hà Nội giao CTCP Bê tông xây dựng Hà Nội (Vibex) tổ chức lập, trình UBND quận Bắc Từ Liêm thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ thiết kế cắm mốc giới để thực hiện cắm mốc giới ngoài thực địa, bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý theo quy định. Công ty này cũng cần chủ động liên hệ với các Sở, ngành liên quan để được hướng dẫn thủ tục về đầu tư, nghĩa vụ tài chính và thực hiện đúng quy định về di dời, sử dụng quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Khu đô thị Vibex từng được xem là "miếng mồi" mà các cổ đông của CTCP Bê tông xây dựng Hà Nội rất quan tâm. |
Tìm hiểu trên website doanh nghiệp thì được biết, CTCP Bê tông xây dựng Hà Nội tiền thân là Nhà máy bê tông đúc sẵn Hà Nội, được thành lập năm 1961, sau đó đổi thành Xí nghiệp liên hợp Bê tông xây dựng Hà Nội. Từ năm 1996, Xí nghiệp liên hợp Bê tông xây dựng Hà Nội sáp nhập vào Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) và được đổi tên thành Công ty Bê tông xây dựng Hà Nội. Đến năm 2005, từ một doanh nghiệp nhà nước, công ty này đã chuyển đổ thành CTCP Bê tông xây dựng Hà Nội.
Những lĩnh vực hoạt động chính của Công ty gồm: sản xuất các sản phẩm bê tông; xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, công cộng, các công trình kỹ thuật hạ tầng cơ sở khu đô thị và khu công nghiệp, các công trình giao thông, thủy lợi; tư vấn xây dựng các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp; kinh doanh bất động sản, kinh doanh nhà ở, khách sạn, văn phòng làm việc; vận tải hàng hóa bằng ô tô chuyên dùng…
Còn theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP bê tông xây dựng Hà Nội có mã số doanh nghiệp là 0100106296; thành lập ngày 29/12/2005; địa chỉ trụ sở chính tại Tổ dân phố số 1, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Lê Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT (sinh năm 1959, dân tộc Kinh, thường trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Vibex hiện đăng ký 10 ngành nghề kinh doanh với ngành chính là sản xuất kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng... (Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) |
Vibex có hai lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp vào tháng 9/2007 và vào tháng 1/2018. Ở lần đăng ký thay đổi thông tin đầu tiên, công ty chỉ đính chính lại địa chỉ trụ sở chính, đăng ký thêm một ngành nghề kinh doanh.
Nhưng đến lần đăng ký thay đổi thông tin thứ hai (vào tháng 1/2018), công ty đã tăng vốn điều lệ từ 85 tỷ đồng lên mức 136 tỷ đồng. Danh sách cổ đông sáng lập vẫn có tên Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (với hai đại diện là các ông Nguyễn Quốc Tuấn và Trần Minh Hồng) và 17 cổ đông khác. Tuy nhiên sau khi tăng vốn, giá trị cổ phần của Tổng Công ty xây dựng Hà Nội vẫn giữ nguyên là 23,841 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nắm giữ cổ phần đã bị giảm từ 28,05% xuống còn 17,53%.
Sau khi tăng vốn điều lệ, giá trị cổ phần của Hancorp vẫn giữ nguyên nhưng tỷ lệ nắm giữ cổ phần đã bị giảm từ 28,05% xuống còn 17,53%. (Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) |
Trước đó vào năm 2012, Vibex từng bị cổ đông làm đơn tố cáo các lãnh đạo công ty có nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc huy động vốn mua nhà, sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả, thất thoát vốn nhà nước. Ngoài ra, cổ đông còn phản ánh, trong năm 2011, Chủ tịch HĐQT (khi đó là ông Nguyễn Thanh Sơn) và Tổng Giám đốc công ty (khi đó là ông Nguyễn Gia Dũng) đã ban hành Nghị quyết huy động vốn tại dự án nhà NO1 – T2 – Khu ngoại giao đoàn có nhiều sai phạm nhằm trục lợi cá nhân…
Dự án chung cư NO1 – T2 Khu ngoại giao đoàn vốn do Hancorp làm chủ đầu tư và đến tháng 2/2010 thì giao cho ba công ty góp vốn là: CTCP xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh góp 60%, CTCP Bê tông xây dựng Hà Nội góp 30% và CTCP cơ khí xây dựng góp 10%.
Dự án này nằm trong Khu đô thị Ngoại giao đoàn do Hancorp làm chủ đầu tư. Đây từng được kỳ vọng là nơi đáng sống và là điểm nhấn của thủ đô, nhưng sau đó dự án lại bị điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ xây dựng (có ô đất tăng mật độ xây dựng từ 20,5% lên đến 40%). Ngoài ra trong thời gian trước đó, Khu ngoại giao đoàn còn vướng hàng loạt tai tiếng khác như thi công chậm tiến độ, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, hệ thống giao thông bất cập (nhiều đường chưa hoàn thiện)…