Chống chuyển giá: Từng bước hoàn thiện khung pháp lý
Việt Nam hiện đã bước vào một sân chơi lớn với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giải quyết các vụ việc phải tuân thủ pháp luật trong nước cũng như tương thích với luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó là sự xuyên suốt, thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật. Vấn đề chống chuyển giá cũng đang không nằm ngoài điều này.
Chống chuyển giá: Lỗ hổng từ kẽ hở của chính sách | |
Chống chuyển giá như chăm cây từ gốc |
Từ những cách hiểu sai
Câu chuyện về Công ty Formosa trong thời gian gần đây là minh chứng rõ nét nhất đối với những bất cập đang tồn tại trong cơ chế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, dễ gây hiểu lầm hoặc tạo các lỗ hổng trong chính sách điều hành.
Gần đây nhất, thông tin Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được Bộ Tài chính “miễn nhầm thuế nhà thầu” từ sau sự cố năm 2014 cho thấy sự không nhất quán trong các văn bản được đưa ra dẫn tới cách hiểu khác nhau.
Tại công văn số 12492/BTC-CST ngày 6/9/2014 về các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với Công ty TNHH gang thép Formusa Hà Tĩnh có ghi, Công ty TNHH gang thép Fomusa Hà Tĩnh không phải nộp thuế nhà thầu đối với hàng hóa, trang thiết bị nhập khẩu kèm theo điều khoản bảo hành (là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán) theo hợp đồng, ngoài ra không kèm theo dịch vụ nào khác.
Trong khi đó, tại Thông tư số 60/2012/TT-BTC phân định rõ nộp thuế nhà thầu đối với máy móc thiết bị nhập khẩu và hàng hóa chuyển giao tại cửa khẩu khác với trong lãnh thổ Việt Nam.
Cụ thể, đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu, nhà đầu tư nhập khẩu theo điều kiện chuyển giao quyền sở hữu tại cửa khẩu chỉ kèm theo nghĩa vụ bảo hành là nghĩa vụ của người bán, không kèm theo bất cứ dịch vụ gì khác ở Việt Nam thì không phải nộp thuế.
Trường hợp doanh nghiệp phải nộp thuế nhà thầu khi hàng hoá là máy móc, thiết bị được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam, hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo các dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hoá.
Kể cả trường hợp việc cung cấp dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì giá trị hàng hóa chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định. Trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ đi kèm thì thuế GTGT được tính chung cho cả hợp đồng.
Sự việc trên cho thấy, cùng một đầu mối ban hành các văn bản quy định, nhưng thông tin thiếu rõ ràng tại vị trí cụ thể (cửa khẩu, trong lãnh thổ) của loại hàng hóa, trang thiết bị đã gây nên những cách hiểu khác nhau, điều này là nguyên nhân khiến dư luận “nổi sóng”.
Trước thực tế trên, ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại lý thuế Tâm Việt (đại lý thường tư vấn các vấn đề thuế cho doanh nghiệp có vốn FDI) cho rằng, Việt Nam tồn tại tình trạng vận dụng văn bản thiếu sự thống nhất, xuyên suốt từ cấp trung ương đến địa phương.
Đã đến thời điểm, Việt Nam cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng văn bản, pháp luật, đặc biệt liên quan tới chính sách thuế bởi ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI tới nước nhà.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, vấn đề trên là do lịch sử để lại, đây có thể coi là hệ lụy của bước chuyển đối với nền kinh tế Việt Nam. Thực tiễn sẽ giúp Việt Nam tìm ra hướng đi, phương thức xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thuế phù hợp.
Giải quyết những vấn đề cốt lõi
Quay lại bài toán chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI cho thấy, để làm được điều này, trước tiên phải xây dựng được hệ thống văn bản pháp pháp luật về thuế xuyên suốt từ cấp trung ương đến địa phương.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng nên tính tới xây dựng Luật Chống chuyển giá nâng cao tính cạnh tranh trong điều kiện thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI như hiện nay.
Trước vấn đề này, ông Vũ Tiến Dũng nêu ý kiến, để nâng tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, việc đầu tiên chính là sự tham gia của các bên liên quan khi ký kết hiệp định song phương với nước bạn.
Theo đó, trước khi thực hiện đàm phán nên có sự tham khảo ý kiến của bộ, ngành liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp, hiệp hội ngành sẽ chịu tác động trực tiếp từ Hiệp định. Việt Nam cũng nên điều tra điều kiện thị trường phù hợp thông qua tổ chức tư vấn quốc tế, độc lập không thuộc Chính phủ.
Ông Dũng cũng cho rằng, Việt Nam có một lợi thế rất lớn khi doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt đã có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới.
Vì vậy, trước khi ký kết hiệp định song phương với nước bạn, Việt Nam cũng nên tham khảo ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp tại nước sở tại. Việc tham khảo ý kiến như vậy giúp tìm ra giải pháp giảm thiệt hại cũng như tăng hiệu quả thu hút đầu tư đối với nền kinh tế Việt Nam.
Ông Dũng thẳng thắn, bản chất thu hút đầu tư chính là nâng năng lực cạnh tranh. Thực tế cho thấy, việc giảm thuế là tất yếu bởi cũng như những người bán hàng, giảm giá đúng thời điểm, đúng cách sẽ thu hút được lượng khách lớn tới mua hàng. Vấn đề cần tính toán ở đây chính là nên giảm loại thuế nào với mức giảm là bao nhiêu cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam.
Vấn đề nữa cần tính toán là tùy địa bàn, hoàn cảnh cụ thể mà có sự "mặc cả" sòng phẳng với nhà đầu tư, chứ không nên chạy theo thành tích. Việc nghiên cứu nghiêm túc nhà đầu tư mang tiền đến là cần thiết. Với mỗi địa bàn, mỗi quy mô dự án nên có chính sách thuế cụ thể không nên thực hiện cào bằng như nhiều năm qua.
Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Đại lý thuế TAC cho rằng, Việt Nam nên tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các nước thực hiện hiệu quả việc chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI. Nhiều nước đã xây dựng được Luật Chống chuyển giá.
Hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 đã bổ sung quy định về cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong quản lý thuế đối với các giao dịch giữa các bên liên kết.
Tổng Cục Thuế chủ trì tiếp nhận và giải quyết 13 hồ sơ bao gồm các đề nghị áp dụng APA chính thức và hồ sơ tham vấn chuẩn bị đề nghị áp dụng APA chính thức. Cơ quan này tiếp tục thu thập thông tin và trao đổi thông tin cần thiết phục vụ cho việc đánh giá xác định sự phù hợp của đề nghị áp dụng APA.
Tổng Cục Thuế cho biết, đa số các hồ sơ APA đều là hồ sơ song phương. Do vậy, kết quả một phần phụ thuộc vào thỏa thuận giữa Việt Nam và nước liên quan. Việc một người nộp thuế dự kiến hoặc đề nghị áp dụng APA hoặc đang thực hiện APA là thông tin riêng của người nộp thuế. Căn cứ Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật hiện hành thì cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin của người nộp thuế.
Trước đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.
Thông tư số 201/TT-BTC ngày 20/12/2013 hướng dẫn việc áp dụng thảo thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế trong quản lý thuế nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng chuyển giá, tránh thuế TNDN. Đồng thời, vẫn tạo sự chủ động cho doanh nghiệp FDI trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định đối tượng áp dụng, nguyên tắc phân tích so sánh, các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết.
Dự thảo quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan bộ, ngành trong công tác quản lý giá chuyển nhượng. Trong đó, các bộ, ngành có liên quan gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh thành phố trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình thực hiện cung cấp, trao đổi thông tin, hướng dẫn các quy định về quản lý phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng.
Đây được xem là cơ sở pháp lý cùng với các luật hiện hành tham gia vào việc đấu tranh chống chuyển giá đang diễn ra hiện nay.