|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chip chiến

19:15 | 10/01/2020
Chia sẻ
Một cuộc đua mới sẽ thay đổi trật tự của thị trường sản xuất chip trên toàn cầu.
Chip chiến - Ảnh 1.

Intel từng là bá chủ thế giới chip khi 90% máy tính trên thế giới đều sử dụng con chip Intel Inside. Thế nhưng trong bước phát triển mạnh mẽ của các thiết bị di động, người khổng lồ Intel đang bị hụt hơi trước các con chip tưởng chừng như chưa bao giờ là đối thủ.

5G sẽ quyết định cuộc đua

Cổ phiếu Intel đã sụt giảm 6% sau khi CEO mới, ông Bob Swan, cho biết Công ty đang có cái nhìn thận trọng hơn khi họ cắt giảm dự báo cho quý tới. 

Ông Swan cho biết sự thận trọng của hãng này đến từ hàng loạt yếu tố bao gồm các vấn đề về hàng tồn kho và nhu cầu yếu đi ở Trung Quốc. Doanh thu của Hãng đạt khoảng 69 tỉ USD cho cả năm 2019, thay vì mức 71,05 tỉ USD như nhiều nhà phân tích phố Wall dự đoán.

Người khổng lồ Intel đang lao đao vì đã bước hụt trong xu thế di động, khi thị trường máy tính bão hòa trong bối cảnh bùng nổ của các thiết bị di động. 

Mới đây, Intel đã phải đưa ra lời tuyên bố rời khỏi hoạt động kinh doanh modem di động với Apple là khách hàng lớn trong việc sử dụng modem không dây của Intel trên các mẫu iPhone trước đó.

Trong khi đó, Qualcomm nổi lên là thế lực vừa mới, vừa cũ trong thị trường sản xuất chip. Intel kinh doanh chip xử lý máy tính, còn Qualcomm kinh doanh chip xử lý di động. Dường như 2 nhà sản xuất này không xâm phạm đến nhau nhưng Qualcomm rõ ràng là thách thức lớn mà Intel đang phải đối mặt. 

Ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của Qualcomm đạt tới hơn 123 tỉ USD, nhiều hơn hẳn 4 tỉ USD so với Intel. Với vị thế là người tiên phong  công nghệ LTE, Qualcomm đang làm bá chủ thị trường sản xuất chip di động, nhất là trong cuộc đua 5G.

Chip chiến - Ảnh 2.

Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 230 thiết bị 5G được ra mắt và phát triển. Dự báo, đến năm 2022 sẽ có hơn 1,4 tỉ chiếc smartphone 5G lưu thông trên toàn cầu. 

Năm 2019, hơn 40 nhà mạng cung cấp dịch vụ trên nền tảng 5G, hơn 40 nhà sản xuất thiết bị phần cứng công bố các sản phẩm 5G và hơn 325 nhà mạng tại 109 quốc gia đầu tư vào công nghệ 5G.

Vì vậy, cuộc đua sản xuất những con chip 5G sẽ góp phần quyết định yếu tố thành bại của các nhà sản xuất chip. Qualcomm củng cố ưu thế khi vừa giới thiệu những chip mới nhất cho smartphone Android vào năm 2020 với các phiên bản Snapdragon 865, 765 và 765G. 

Các chip mới sẽ cải thiện hiệu suất trong các khả năng như quay video 8K hoặc A.I (trí tuệ nhân tạo). Qualcomm cũng ra mắt 3 chip laptop gồm 8cx, 8c và 7c được tích hợp sẵn GPU, CPU, modem mạng trong một kích thước rất nhỏ. 

Ông Alex Katouzian, Phó Chủ tịch mảng điện thoại di động của Qualcomm, cho biết, những mẫu laptop trong tương lai sử dụng chip Qualcomm sẽ có GPU, CPU, nhân A.I... trong một diện tích rất nhỏ.

Chip chiến - Ảnh 3.

Do quá chậm chân trong cuộc đua di động và cả 5G, cuối tháng 11.2019, Intel bắt tay với nhà sản xuất chip MediaTek để từ năm 2021, Intel sẽ sử dụng các chip modem 5G của MediaTek để tích hợp vào trong những hệ thống máy tính cá nhân, laptop.

Chi phí cực lớn 

Nhưng đó chưa phải là tất cả với Intel khi thị trường chip di động vẫn còn nhiều đối thủ đáng gờm. 

Có thể thấy, thị trường công nghệ 5G bắt đầu cuộc chiến với các tên tuổi như Intel, Qualcomm, Huawei, Exynos và MediaTek. Samsung hiện đứng đầu thị trường chip nhớ sau khi giành vị trí số 1 của Intel vào năm 2018. 

Mới đây, Samsung công bố khoản đầu tư 115 tỉ USD vào sản xuất chip. Khoản đầu tư khổng lồ này được kỳ vọng sẽ giúp Samsung không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn bộ nhớ mà còn trở thành công ty hàng đầu thế giới về chip logic vào năm 2030.

Đằng sau cuộc đua này, mỗi hãng đều phải đối mặt với chi phí cực lớn cho công cụ sản suất vốn đang bị đẩy tới những giới hạn vật lý. 

Chẳng hạn, cách đây 2 năm, TSMC đã tiết lộ rằng họ đã chi gần 20 tỉ USD chỉ để có được một dây chuyền sản xuất mới cho quy trình sản xuất chip xuống kích thước nhỏ hơn và đang tiến tới quy trình 3nm với công nghệ khắc tia cực tím (EUV).

Việt Nam cũng có tham vọng sản xuất chip 5G nhằm đón đầu làn sóng internet vạn vật (IoT). Viettel đã đầu tư 40 triệu USD cho nghiên cứu phát triển chip 5G. 

Hiện Viettel tập trung 300 kỹ sư cho dự án 5G, chi 500 tỉ đồng cho phát triển Microcell 5G và đầu tư phòng Lab 5G trị giá 200 tỉ đồng. Cả Vingroup và Viettel đều công bố đã sản xuất được thiết bị 5G. Đây là điều đặc biệt, bởi trên thế giới, mới chỉ có 5 nước sản xuất được thiết bị 5G.

Trong khi đó, MediaTek tung ra con chip Dimensity 1000. Đây là bước ngoặt lớn của MediaTek, không chỉ là chip xử lý tích hợp công nghệ 5G đầu tiên mà cũng là lần đầu tiên thương hiệu này vươn lên ngang hàng với các nhà sản xuất chip lớn.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhà sản xuất smartphone Trung Quốc dịch chuyển sang tự sản xuất chip, vì lo ngại sự ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng do cấm vận. 

Chẳng hạn, Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc, đã dùng chip Kirin tự phát triển cho các smartphone của họ. Trước viễn cảnh mất dần thị phần tại Trung Quốc do xu hướng tự sản xuất chip của các hãng di động nước này, MediaTek đã quyết định đi vào phân khúc công nghệ 5G. 

Ông David Ku, Phó Chủ tịch Điều hành của MediaTek đặt mục tiêu giúp các nhà sản xuất có thể tung ra các smartphone 5G có giá cạnh tranh (dưới 283USD) trong nửa cuối năm nay

Trực Thanh