Chính quyền cần chịu trách nhiệm về an ninh nước sạch
Nêu ý kiến tại tọa đàm "An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý", sáng 23/10, luật sư Trương Xuân Hải, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng quy định của chính phủ về bảo đảm an ninh nguồn nước giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính và nhà nước có trách nhiệm phối hợp là không phù hợp, cần phải đổi ngược lại.
"Đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến nhiều người, nhiều khu vực nên trách nhiệm bảo vệ an ninh an toàn phải do nhà nước đảm nhiệm", luật sư Hải đề nghị.
Có cùng quan điểm này nhưng kỹ sư Trần Quang Hưng - chuyên gia cao cấp ngành nước bổ sung thêm, an ninh nước sạch là hai vấn đề tổng hợp giữa an ninh nguồn nước và an toàn nguồn nước. Theo ông Hưng, các dòng sông lớn ở Việt Nam đều có yếu tố nước ngoài nên việc làm thế nào để đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước vượt quá tầm quản lý của doanh nghiệp đòi hỏi các địa phương, quốc gia cùng phải liên kết để cùng giải quyết.
Về an toàn cấp nước, kỹ sư Hưng nhận định đây là vấn đề của các địa phương và doanh nghiệp. "Cần phải tổ chức được hệ thống kiểm soát chặt chẽ nguồn nhà máy đến người tiêu dùng", ông Hưng nói.
PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng. Ảnh: G.C
PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên hiệu phó trường Đại học Xây dựng cho biết, việc bảo vệ nguồn nước thường được chia làm các đới bảo vệ xung quanh khu vực nhà máy. "Đới nghiêm cấm" có bán kính 500 m, tức là tại đây không có hoạt động gì của con người. Sau đó đến "đới bảo vệ" với bán kính khoảng 1 km và cuối cùng là "đới quan sát" khoảng 1,5 km.
"Nước gắn chặt an ninh quốc gia, an toàn cho tất cả người dân. Vì vậy, chính quyền phải có trách nhiệm xây dựng các đới bảo vệ. Còn nhà máy nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước chính quyền (đại diện cho người dân) về chất lượng nước đầu ra.
Hợp đồng giữa chính quyền với nhà máy nước phải rõ ràng trách nhiệm với cộng đồng", ông Dũng nói và cho biết quy định về đới bảo vệ đã có trong luật nhưng nhiều địa phương vẫn chậm hoặc chưa triển khai cắm mốc.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Gia Chính.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết theo quy định pháp luật Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước đô thị và khu công nghiệp.
"Trách nhiệm bảo vệ nguồn nước liên tỉnh là của Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn nội tỉnh là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà thường được giao cho người đứng đầu tỉnh chịu trách nhiệm. Vậy lãnh đạo các tỉnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh nguồn nước chứ không thể đứng ngoài cuộc", ông Tiến nói.
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm...
Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Một số cán bộ công ty phát hiện dầu thải sáng 9/10, nhưng không báo cơ quan chức năng; không ngăn chặn ô nhiễm.
Ngày 15/10, Hà Nội thông báo nước bị nhiễm độc, "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".
Ngày 17/10 công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015. Ba nghi phạm Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám và Lý Đình Vũ bị giữ trong hai ngày 17 và 20/10.
Nhóm này khai đã chở dầu bằng xe tải từ Công ty gạch Thanh Hà (Phú Thọ) đến đổ ở khe núi huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình hôm 8/10. Dầu từ khe núi theo mưa đã tràn xuống nguồn nước nhà máy sông Đà. Mục đích của nhóm nghi phạm đang được làm rõ.
Ngày 22/10, Hà Nội công bố "nước sông Đà có thể ăn uống".