Chính phủ nêu ba lý do khiến Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 30 nghìn tỉ
Một đoạn Metro Bến Thành - Suối Tiên
Đó là một trong ba lý do khiến tổng mức đầu tư của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Tp.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên tăng gần gấp ba, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội.
Theo báo cáo, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được phê duyệt năm 2007 là 126.582,650 triệu Yên (tương đương 17.387,655 tỷ VND, tương đương 1,091 tỷ USD), sau đó được phê duyệt điều chỉnh năm 2011 lên 236.626 triệu Yên (tương đương 47.325,2 tỷ đồng, tương đương 2,490 tỷ USD).
Năm 2018 theo Chính phủ trình Quốc hội và Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải trình Bộ Chính trị, tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh của dự án là 236.626 triệu Yên (tương đương 47.325,3 tỷ đồng).
Đến nay, sau khi cập nhật ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổng mức đầu tư điều chỉnh đang được dự kiến là 229.791,29 triệu Yên (tương đương 47.325,2 tỷ đồng), bao gồm 203.165,55 triệu Yên (tương đương 41.833,600 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và 5.491,60 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân Tp.HCM đang hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh dự án, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2019.
Chính phủ cho biết ba lý do điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Thứ nhất do sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009.
Thứ hai là tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án.
Cụ thể, tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng hành khách dự báo vào năm mục tiêu thiết kế là năm 2040 (thay vì năm 2020 như trong dự án đầu tư); áp dụng các trang thiết bị, hệ thống tiên tiến nhằm đạt sự an toàn cao nhất, đầu tư đầy đủ cho xưởng bảo trì sửa chữa, cho tòa nhà trung tâm điều khiển cho cả hệ thống đường sắt đô thị của thành phố và đầu tư cho trụ sở của Công ty Vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị.
Lý do thứ ba là cập nhật tỷ giá Yên Nhật - Việt Nam đồng; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 làm cho tổng mức đầu tư dự án tăng.
Cập nhật tiến độ thực hiện, Chính phủ cho biết dự án đã ký được 3 Hiệp định với tổng số vốn vay là 155,364 tỷ Yên Nhật. Nguồn vốn đối ứng lũy kế từ khởi đầu dự án đến giữa tháng 10/2019 là 1.773,7 tỷ đồng, đạt 32% tỷ lệ tổng vốn.
Cùng thời điểm này, nguồn vốn ODA lũy kế từ khởi đầu dự án là 60.491 triệu Yên (tương đương 11.924 tỷ đồng) đạt 32% tổng vốn của 3 Hiệp định vay đã ký, và phần vốn giải ngân từ vốn tạm ứng ngân sách thành phố là 3.886,5 tỷ đồng.
Tổng lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay là 15.808 tỷ đồng (tương đương 77.882 triệu Yên), đạt 38% tổng vốn ODA.
Về cơ chế tài chính, báo cáo nêu, đến nay, trong bối cảnh nợ công quốc gia đang tăng cao, Thủ tướng đã giao Ủy ban Nhân dân Tp.HCM vay lại toàn bộ phần vốn vay ODA tăng thêm so với mức được phê duyệt năm 2007 với yêu cầu quá trình thực hiện Uỷ ban nhân dân thành phố có báo cáo đánh giá tác động của việc vay lại nêu trên đến khả năng vay trả nợ của thành phố.
Theo tiến độ ban đầu, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018.
Nay Chính phủ cho biết, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, phân chia gói thầu, xử lý tình huống đấu thầu, thay đổi quy trình thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán, xây dựng cơ chế riêng về thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với các dự án đường sắt đô thị… đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các gói thầu.
Đến nay, sau khi rà soát và cập nhật lại tiến độ dự án, dự kiến thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý 4/2021. Thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng vào năm 2026.