Chính phủ Mỹ chú trọng đối thoại kinh tế song phương với các nước
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong một sự kiện diễn ra ở Phòng Thương mại Mỹ tại Washington ngày 18/5, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhận định chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc tham gia các cuộc đối thoại kinh tế với nhiều quốc gia khác, ngoài cuộc đối thoại đã được tiến hành với Nhật Bản hồi tháng trước.
Đề cập tới cuộc đối thoại kinh tế mới Mỹ-Nhật Bản có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso mới đây, ông Mike Pence nhấn mạnh phía Mỹ kỳ vọng ở cuộc đối thoại này, cũng như mong muốn thấy được tiến triển và hy vọng tìm ra những cách thức để có thể khởi động những cuộc thảo luận tương tự với các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Phát biểu này cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump có thể sử dụng các cơ chế đối thoại làm phương tiện để thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia khác trong bối cảnh "ông chủ" Nhà Trắng có xu hướng giải quyết các vấn đề thương mại theo cơ chế song phương hơn là đa phương, mà việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng Một năm nay là một ví dụ điển hình.
Phó Tổng thống Mỹ lưu ý rằng xu hướng hợp tác với các đối tác thương mại của Mỹ dựa trên cơ chế song phương là nhằm giảm thiểu các chính sách gây bất lợi cho các doanh nghiệp của nước này.
Không chỉ trích dẫn lại lời kêu gọi “thương mại bình đẳng” của Tổng thống Trump, ông Pence còn cam kết kiến tạo “một sân chơi đích thực” cho cả các doanh nghiệp của Mỹ và của nước ngoài, để từ đó Washington và các đối tác thương mại có thể cùng lớn mạnh.
Về phần mình, các quan chức Nhật Bản không loại trừ khả năng cuộc đối thoại kinh tế nói trên với Mỹ sẽ mở đường cho tiến trình khởi động các cuộc đàm phán về một Hiệp định thương mại tự do song phương.