Chính phủ đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ
Trước đó Ban soạn thảo từng đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 để tri ân người có công. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội giữa năm, nhiều đại biểu cho rằng việc lấy ngày 27/7 là không phù hợp. Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã phải rút đề xuất này.
Tại phiên thảo luận ngày 23/10, một số đại biểu Quốc hội lại đề nghị Chính phủ bổ sung một ngày nghỉ vào Bộ luật Lao động sửa đổi, có thể là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9, hoặc ngày gia đình Việt Nam để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị bổ sung 3 ngày nghỉ lễ trong năm, gồm ngày 28/6 và hai ngày nghỉ dịp Tết Dương lịch. Bởi hiện nay, số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam là 10, mức trung bình thấp so với khu vực và thế giới. Camphuchia hiện nghỉ 28 ngày, Brunei nghỉ 15, Indonesia 16, Trung Quốc 21, Nhật Bản 16 ngày...
So sánh số ngày nghỉ lễ trong khu vực. Đồ họa: Tiến Thành
Chính phủ cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc rà soát 1.810 nghề, công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm để làm căn cứ xác định nhóm người lao động được nghỉ hưu sớm.
Đối với thời giờ làm việc, Ban soạn thảo kiến nghị Quốc hội giữ nguyên như hiện nay, bổ sung quy định khuyến khích doanh nghiệp giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ mỗi tuần; giao Chính phủ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội để có lộ trình giảm giờ làm vào thời điểm thích hợp.
Về thời giờ làm thêm tối đa, Ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng không quá 40; quy định rõ ngành đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ mỗi năm là dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử và trong trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn.
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi dự kiến được thông qua tại kỳ họp cuối năm này.
Công nhân làm việc tại Công ty May 10. Ảnh: Anh Duy.