|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là ngày nghỉ lễ trong năm

15:37 | 23/10/2019
Chia sẻ
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh, nhiều đoàn ĐBQH tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương, nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc một ngày khác.

Ngày 23/10, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội nguyễn thúy anh (4) copy23

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lí dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết dự thảo đã được chỉnh lí với nhiều điểm mới.

Riêng về vấn đề nghỉ lễ, Tết, bà Thuý Anh cho biết có một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương, nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc một ngày khác.

Cũng theo bà Nguyễn Thuý Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.

Bà Anh cho rằng, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lí vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác tối đa sức lao động, hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm như đã trình tại kì họp thứ 7 để Quốc hội tiếp tục thảo luận. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đề xuất hai phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Cụ thể, phương án một, qui định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành. 

Đồng thời ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Phương án hai, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ.

Theo bà Thuý Anh, qui định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung qui định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Thu Hà

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.