|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ báo cáo Quốc hội nguyên nhân 'cản' tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

13:53 | 21/10/2022
Chia sẻ
Tại báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết, hiện dự án vẫn gặp hai khó khăn, vướng mắc chính liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tại báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 44 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, sau 8 tháng triển khai, dự án hiện cơ bản hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bước vào giai đoạn thực hiện đầu tư và giải phóng mặt bằng.

Khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối năm 2022

Chính phủ cho biết đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng tiến độ triển khai chi tiết để bảo đảm khởi công các gói thầu đầu tiên vào cuối năm 2022.

Bộ GTVT đã khẩn trương chỉ đạo các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn để khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật các dự án. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn. Công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán, thẩm tra, thẩm định đang được tiến hành song song đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Chính phủ cũng đã giao Bộ GTVT có văn bản gửi Kiểm toán nhà nước đề nghị phối hợp thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu. Công tác lập thiết kế kỹ thuật hiện nay đang bám sát tiến độ yêu cầu, bảo đảm phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công các dự án vào cuối năm 2022.

Rút kinh nghiệm từ việc thiếu hụt nguồn vật liệu khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép Dự án được áp dụng cơ chế đặc thù “nhà thầu thi công không phải thực hiện cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát dự án”.  

Chính phủ đã giao Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các Ban Quản lý dự án (QLDA) tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT).

Bộ GTVT đã làm việc thống nhất với Ủy ban nhân dân các tỉnh và các đơn vị liên quan về hướng tuyến, các công trình chính; các khu vực đất quốc phòng hoặc công trình quốc phòng. Hoàn thiện các thủ tục: Lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư,...

Về công tác mặt bằng (GPMB), các địa phương đã thực hiện công tác đo đạc tại thực địa đạt trên 95% và kiểm kê tài sản trên đất đạt 87%. Đang tích cực triển khai xây dựng khu tái định cư, lập phương án đền bù, GPMB... Phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11 và bàn giao toàn bộ các diện tích còn lại trong quý II năm 2023. 

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã bố trí 257 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư và hơn 8.300 tỷ đồng cho công tác GPMB trong năm 2022. Đến ngày 15/9, Dự án đã giải ngân được 212,6 tỷ đồng của công tác chuẩn bị đầu tư. Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải ngân đáp ứng tiến độ yêu cầu. 

Nguyên nhân "cản" tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Báo cáo từ Chính phủ cho biết, hiện dự án vẫn gặp 2 khó khăn vướng mắc chính liên quan đến công tác GPMB và thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo cho biết, Chính phủ đã có các chỉ đạo, các địa phương đã quyết liệt, tập trung thực hiện, tuy nhiên do khối lượng GPMB lớn, trải dài qua nhiều địa phương, quá trình thực hiện tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh (xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, khiếu nại của người dân…), gây ảnh hưởng đến trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân nên tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng tiến độ. Để triển khai công tác GPMB đáp ứng tiến độ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân.

Đồng thời, nguồn vật liệu cát đắp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án trong khu vực. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa nguồn cát hiện có, bổ sung các mỏ mới, nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu thay thế nhưng vẫn còn nguy cơ thiếu hụt cát đắp ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Để triển khai thi công hoàn thành dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn về nguồn cát đắp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của dự án.

Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện dự án; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; thực hiện việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra xung đột, khiếu kiện phức tạp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân; phối hợp cùng Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, phòng ngừa vi phạm.

Giao Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu. 

Hạ An