|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chiến lược giao dịch thế nào khi VN-Index liên tục biến động mạnh?

18:57 | 27/11/2022
Chia sẻ
Mặc dù thị trường đã có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp, xu hướng hiện tại vẫn là phân hóa và VN-Index thường xuyên biến động mạnh trong phiên. Chiến lược giao dịch nào sẽ phù hợp lúc này?

Thị trường giảm liên tục trong 3 phiên đầu tuần và có trạng thái cân bằng sau khi chạm vùng 936 – 940. Lực cầu trở lại vào hai phiên cuối tuần giúp VN Index lấy lại sắc xanh lên 971. Về góc nhìn kỹ thuật, kết tuần VN Index tạo nến doji với bóng nến dài phía dưới cho thấy lực cầu gia tăng tốt ở khu vực 920 – 940. Bên cạnh đó, tại khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI cũng đồng loạt cho tín hiệu tích cực trở lại.

Theo dự báo của Chứng khoán Vietcombank vùng điểm 970 – 980 điểm vẫn là kháng cự mạnh của thị trường trong ngắn hạn. Nếu thanh khoản mua chủ động được duy trì tốt giúp chỉ số chung vượt được kháng cự thì nhịp hồi phục sẽ có thể kéo dài lên vùng điểm 1.000 – 1.020 điểm.

Mặc dù thị trường đã có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp, xu hướng hiện tại vẫn là phân hóa và VN-Index thường xuyên biến động mạnh trong phiên. Do đó, chiến lược giao dịch nào sẽ phù hợp lúc này, nhà đầu tư có nên xuống tiền ‘bắt đáy’, thế phòng thủ hay tấn công sẽ được ưu tiên?

Chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital số "Cháy cùng World Cup". (Ảnh: BMDT).

Tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Đầu tư CTCP Đầu tư Finpros cho rằng với mặt bằng giá như hiện nay thì đội hình hoàn toàn tấn công là không nên nhưng hoàn toàn phòng thủ cũng đang bị chậm quá do chúng ta đã có một giai đoạn dài phòng thủ từ trước.

“Giống như bây giờ đang thua 2 – 0 mà lại tiếp tục phòng thủ thì không thể giành chiến thắng được. Tôi sẽ chọn đội hình 4 – 3 – 3 tức là có phòng thủ nhưng cánh trên cũng phải bắt đầu tràn lên để chủ động hơn. Với tôi tỷ trọng danh mục vẫn sẽ giữ tiền mặt khoảng 40%, còn lại phân bổ chủ yếu vào một số ETF và một số nhóm ngành như ngân hàng, hoặc những mã có nền tảng kinh doanh tương đối tốt như DGC, HAH”.

Lý giải về nguyên nhân phân bổ tiền vào quỹ ETF, ông Tùng cho rằng khi thị trường hồi phục nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi, còn những mã cổ phiếu khác trong danh mục nắm giữ đã có mức hồi phục bằng thị trường.

“Kinh nghiệm của tôi là ngay cả khi thị trường hồi phục danh mục chúng ta nắm giữ vẫn có thể có hiệu suất kém hơn thị trường. Do vậy theo tôi nên nắm giữ ETF và một vài mã có nền tảng tốt, chiến lược này vẫn có cửa sáng bởi có đến 60% tỷ trọng ở cổ phiếu, còn 40% tiền mặt để giữ được độ an toàn chắc chắn cho tài khoản và có thể xem xét giải ngân nếu có cơ hội”.

Cùng chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI vẫn nghiêng về trường thái phòng thủ: “Không phải trường phái quá phòng thủ đổ bê tông trước khung thành nhưng tỷ lệ tiền mặt tôi vẫn sẽ duy trì ở mức tương đối cao ở thời điểm này.

Những ngành có thể bắt kịp được hết những tăng trưởng của Việt Nam thường là tiêu dùng và tài chính. Trong ngành tiêu dùng tạm thời ở thời điểm hiện tại có lẽ tôi sẽ ưu tiên Vinamilk, do trong nhóm ngành tiêu dùng ở Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn. Theo nhiều báo cáo phân tích, Vinamilk liên quan nhiều đến tiêu dùng nội địa và cũng khá ổn định trong thời điểm này. Cho nên có thể để Vinamilk giữ cầu môn trong giai đoạn này. Còn đối với ngành tài chính nói chung thì có nhóm ngân hàng”.

Chuyên gia cho biết vẫn duy trì tỷ lệ tiền mặt khá cao trong giai đoạn này bởi nhiều người cho rằng thị trường đã tạo đáy, nhưng có thể chỉ là đáy ngắn hạn, đáy dài hạn chưa ai dám nói chắc chắn. Kinh tế trưởng của SSI cho rằng xác suất thị trường có thể tạo đáy ngay trong tháng 11 tương đối khó. Bởi vì ngắn hạn có thể được nhưng trong dài hạn cần phải có các yếu tố vĩ mô ổn định một cách tốt hơn, nhất là thị trường, doanh nghiệp và thanh khoản.

Linh Chi