|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiếc xe đạp giá gần 5.000 USD phơi bày nguy cơ lạm phát rình rập nước Mỹ

20:04 | 07/06/2021
Chia sẻ
Đạp xe đang trở thành sở thích phổ biến của người dân Mỹ. Nhưng những người đến cửa hàng lại phát hiện nhiều kệ hàng trống rỗng và giá cả đã nhảy vọt.
Chiếc xe đạp 5.000 USD phơi bày nguy cơ lạm phát rình rập nước Mỹ - Ảnh 1.

Khách hàng bên ngoài Trek Bicycle Shopở San Diego, ngày 15/5/ 2020. (Ảnh: Bloomberg).

Khách hàng chen chân vào các cửa hàng bán xe đạp tại Mỹ thường phải ra về tay trắng. Chỉ số ít người may mắn được mang về nhà một chiếc xe với giá đã tăng vọt so với năm ngoái.

Một chiếc Santa Cruz Hightower C R – xe đạp leo núi có hai giảm xóc – có giá 4.749 USD, tăng 10% so với năm ngoái. Nhưng trước tình cảnh hàng tồn kho cạn kiệt, những người có tiền có lẽ vẫn sẽ phải chờ cho đến khi có mẫu sau, với mức giá còn cao hơn nữa.

Tình cảnh của những người mua xe đạp phản ánh áp lực lạm phát lan tràn trong nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt.

Giống như nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác, các công ty xe đạp đang chuyển sang cho khách hàng phần chi phí gia tăng do giá vật liệu thô leo thang, nhà máy gặp khó khăn và dây chuyền giao hàng quá tải, Bloomberg cho biết. Dù doanh nghiệp có tăng giá thì nhu cầu của khách hàng cũng không giảm. 

Các giám đốc trong ngành dự báo giá sẽ còn lên cao hơn nữa, nguồn cung tiếp tục bị hạn chế và nhu cầu tăng cao kéo dài đến ít nhất là năm sau.

Chiếc xe đạp 5.000 USD phơi bày nguy cơ lạm phát rình rập nước Mỹ - Ảnh 2.

Giá cả đủ loại hàng hóa, từ gỗ xẻ cho đến tã lót, đã lên cao trong năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ, cú nhảy cao nhất kể từ năm 2008.

Thảm họa kép

Chính quyền ông Biden và Cục dự trữ liên bang (Fed) nhận định lạm phát sẽ dịu đi vào nửa cuối năm nay. Nhưng rất nhiều công ty xe đạp dự đoán hiện tượng giá cả tăng sẽ kéo dài hơn nữa.

Người Mỹ đổ xô mua xe đạp khi biện pháp phong tỏa ngừa COVID-19 bắt đầu được áp dụng, nhằm tập thể dục, thay thế phương tiện công cộng hoặc làm thú vui cho những đứa trẻ buộc phải ở nhà.

Giờ đây, số tiền tiết kiệm trong đại dịch – từ những kế hoạch du lịch hay đi ăn nhà hàng bị hủy – cùng với những tấm séc cứu trợ đang tiếp tục thúc đẩy nhu cầu, các công ty xe đạp và hãng bán lẻ cho biết.

Nhu cầu đang xuất hiện khắp mọi nơi, từ nhà bán lẻ lớn như Walmart cho đến cửa hàng chuyên biệt.

Hãng nghiên cứu NPD Group cho biết doanh số xe đạp trong 12 tháng tính đến tháng 3/2021 tăng 77% lên 6,7 tỷ USD, số tiền người tiêu dùng chi cho mỗi chiếc tăng 27%. Một phần nguyên nhân là giá tăng, phần khác là hàng tồn kho cạn kiệt khiến khách hàng phải chọn những mẫu xe đắt đỏ hơn.

Ông David Conte, Giám đốc vận hành của chuỗi cửa hàng Conte's Bike Shop cho biết: "Chúng tôi đang đón một đợt tăng giá nữa. Chúng tôi gần như thể đang ở trong thảm họa kép. Chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu".

Ông Conte cho biết ông chỉ nhận được chưa đến một nửa số xe đạp mà ông đặt hàng. Nhưng ông vẫn còn may mắn hơn nhiều hãng bán lẻ nhỏ với các kệ hàng trống trơn.

Chiếc xe đạp 5.000 USD phơi bày nguy cơ lạm phát rình rập nước Mỹ - Ảnh 3.

Một người đạp xe qua Công viên Domino ở New York, tháng 5/2020. (Ảnh: Bloomberg).

Rắc rối nguồn cung mà nhiều công ty xe đạp phải đối mặt có bắt nguồn từ trước cả đại dịch.

Gần cuối năm 2019, các hãng xe đạp lớn đã hoãn đặt hàng từ Trung Quốc, chờ đợt miễn thuế quan 25%, ông Jay Townley của hãng tư vấn Human Powered Solutions cho biết.

Các công ty xe đạp đặt hàng vào đầu năm 2020 khi các nhà máy Trung Quốc nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Nhưng sau đó COVID-19 bùng phát, và các nhà máy tiếp tục đóng cửa.

Các nhà máy đang hoạt động hết công suất nhưng họ ngần ngại mở rộng năng lực sản xuất, có thể là vì không chắc nhu cầu sẽ kéo dài bao lâu.

Đợt miễn thuế quan cho xe đạp đã kết thúc và có vẻ sẽ không quay trở lại lần nữa. Giá vận chuyển container từ Trung Quốc tới Bờ Tây nước Mỹ thì đã quanh quẩn ở mức kỷ lục trong suốt vài tháng. Chi phí vận chuyển cao tiếp tục được chốt trong các bản hợp đồng ký kết cho tới tận năm sau.

Việc thực hiện các đơn đặt hàng cũng tốn nhiều thời gian hơn trước. Một số khách hàng được báo rằng họ sẽ phải đợi hơn một năm. Điều này khiến cho một số người chán nản.

Cô Rahvi O'Hara sống tại Florida đang tìm kiếm một chiếc xe đạp leo núi mới cho con trai. Mẫu xe cô mua ngay trước đại dịch có giá 300 USD, nhưng giờ đã lên đến 500 USD. Nhưng cô thậm chí còn không tìm được nơi có hàng dù đã gọi điện đến 5 chỗ. Những chiếc xe có sẵn hàng có giá không dưới 4.000 USD, Bloomberg cho hay.

Kéo dài vài năm

Nhu cầu khổng lồ dành cho xe đạp lan sang cả thị trường đồ cũ. Một số người bán đòi giá cao hơn cả số tiền họ mua ban đầu. Bộ phận thay thế cũng trở nên khan hiếm. Những bộ phận quan trọng như lốp xe và dây xích ngày càng khó kiếm, giá của chúng cũng không ngừng tăng. 

Theo Bloomberg, các nhà sản xuất đang tha hồ "hái lộc". Thu nhập hoạt động ròng trong quý I của Giant Manufacutring tăng 55% so với năm trước. Shimano báo cáo thu nhập hoạt động của bộ phận linh kiện xe đạp nhảy vọt 169%.

Câu hỏi quan trọng là nhu cầu khổng lồ sẽ kéo dài bao lâu. 

Nhà tư vấn Townley dự kiến hình mẫu chi tiêu sẽ chuyển từ hàng hóa như xe đạp đến dịch vụ khi đại dịch tiếp tục được đẩy lùi. Do đó, ông đoán giá có thể hạ vào cuối năm nay.

Nhưng các giám đốc trong ngành kỳ vọng rằng nhu cầu lớn sẽ được duy trì trong ít nhất vài năm nữa.

Ông Blair Clark, Chủ tịch Canyon Bicycles USA đã thực hiện các đơn đặt hàng cho tới tận năm 2023, dự kiến doanh số sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ông cũng kỳ vọng những người bắt đầu sở thích đạp xe trong đại dịch sẽ tiếp tục gắn bó với bộ môn này.

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.