Chi trả cổ tức: cân đối để hài hòa lợi ích
Những doanh nghiệp trả cổ tức cao, từ 15% trở lên, phần lớn thuộc các nhóm ngành như dược phẩm, vật liệu xây dựng, tiêu dùng, thực phẩm, hóa chất, thép, bảo hiểm... Ảnh: HOÀNG NHUNG |
Những công ty chia cổ tức “khủng”
Khi thông tin về mùa họp đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp dần qua đi, việc các doanh nghiệp công bố chia cổ tức ở mức cao, ngay trong tháng 6 này được nhìn nhận sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp.
Cụ thể, ngày 12-6-2018 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức đợt 2-2017 bằng cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) với tỷ lệ thực hiện 40%, qua đó nâng tổng mức cổ tức cả năm 2017 lên 50%.
Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - Công ty cổ phần (PLC) cũng chốt danh sách cổ đông vào ngày 15-6-2018 để chi trả cổ tức với tỷ lệ 20%. Theo đó, PLC sẽ chi khoảng 162 tỉ đồng, chiếm 94% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2017.
Vào ngày 26-6-2018, Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) sẽ thanh toán cổ tức còn lại của năm 2017 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Với khoảng 1,45 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, VNM dự chi hơn 2.100 tỉ đồng cho đợt trả cổ tức này và nguồn tiền được lấy từ lợi nhuận giữ lại. Như vậy, với ba lần chi trả cổ tức đều bằng tiền mặt (hai lần trước đã thanh toán 35%), tổng mức cổ tức năm 2017 của VNM là 50%. Bên cạnh đó, VNM cũng đã lên kế hoạch chia cổ tức năm 2018 với tỷ lệ tương đương năm 2017 là 50% bằng tiền mặt. Trong đó, dự kiến tạm ứng đợt 1-2018 vào quí 3-2018.
Cũng dự kiến trong cuối quí 2, đầu quí 3-2018, tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ phát hành thêm 606,8 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 40% để chi trả cổ tức năm 2017. Sau đợt phát hành này, HPG dự kiến nâng vốn điều lệ từ 15.170 tỉ đồng lên trên 21.240 tỉ đồng.
Trước đó, trong quí 1-2018, đã có không ít doanh nghiệp công bố tỷ lệ chi trả cổ tức “khủng”. Điển hình như Gemadept (GMD) chi trả cổ tức tiền mặt với tổng tỷ lệ 80%, bao gồm 15% cổ tức của năm 2016 và 65% cổ tức đặc biệt. Đây là mức chi trả cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp ngành logictics này và là thành quả có được sau gần một năm nỗ lực tái cấu trúc, thoái vốn khỏi một số công ty con theo phương án thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2017.
Tại Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (TV2), ngay sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông được tổ chức ngày 28-2-2018, TV2 cũng thông báo trả cổ tức năm 2017 với tổng tỷ lệ 110%, gồm 10% bằng tiền mặt và 100% bằng cổ phiếu. Đây là “thành quả” kinh doanh năm 2017, khi lợi nhuận sau thuế đột biến lên đến 214,4 tỉ đồng, gấp 2,1 lần năm 2016.
Không hề kém cạnh, với việc năm 2017 đạt trên 4.408 tỉ đồng doanh thu, tăng 35% so với 2016, lợi nhuận sau thuế đạt 1.121,8 tỉ đồng, tăng 65%, Vicostone (VCS) chốt phương án cổ tức cho năm 2017 lên đến 140% (40% bằng tiền và 100% bằng cổ phiếu). Đây là mức cổ tức cao nhất mà cổ đông VCS được nhận kể từ khi niêm yết cách đây 10 năm.
Cân đối để hài hòa lợi ích
Theo thống kê thì trong thời gian gần đây, những doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức thấp phần nhiều là những doanh nghiệp đang gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu biểu như các nhóm ngành săm lốp, xi măng, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, chăn nuôi... Những doanh nghiệp này gặp khó khăn chủ yếu do các điều kiện thị trường thay đổi: giá dầu giảm (nhóm dầu khí), giá nguyên vật liệu đầu vào tăng (nhóm cao su săm lốp), giá thành phẩm bán ra lao dốc (nhóm chăn nuôi). Với những doanh nghiệp này, các cổ đông gần như không mong có cổ tức, hoặc nếu có thì tỷ lệ chia cũng rất hạn chế.
Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp trả cổ tức cao, từ 15% trở lên, phần lớn thuộc các nhóm ngành như dược phẩm, vật liệu xây dựng, tiêu dùng, thực phẩm, hóa chất, thép, bảo hiểm... Đây là các nhóm ngành cơ bản có triển vọng kinh doanh khả quan và lợi thế cạnh tranh trong ngành. Trên thị trường, các cổ phiếu với nền tảng cơ bản tốt vẫn luôn nằm trong danh mục ưa thích của nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay.
Tuy vậy, trên thực tế, việc quyết định tỷ lệ chi trả cổ tức bao nhiêu là bài toán không hề đơn giản cho doanh nghiệp khi phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhiều bên. Về phía các nhà đầu tư, cổ tức là lợi ích thiết thân của họ, là một trong những tham chiếu để họ so sánh hiệu quả giữa các kênh đầu tư. Đối với các doanh nghiệp, về mặt hình ảnh thì chính sách cổ tức tốt và ổn định thể hiện tiềm lực tài chính, cho thấy khả năng kinh doanh hiệu quả và khả năng quản trị, nhất là quản trị dòng tiền của doanh nghiệp đó.
Với những lợi ích kể trên, việc chia cổ tức cao (nếu có thể) rõ ràng là điều nên làm cho cổ đông nhưng điểm khó ở đây là phải tính toán để đưa ra một đề xuất vừa làm hài lòng cổ đông vừa đảm bảo nguồn vốn, cấu trúc tài chính cho doanh nghiệp. Đặc biệt là với những doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, mở rộng, khi một đồng cổ tức chi trả sẽ phải đánh đổi bằng chi phí cơ hội được giữ lại nguồn lực để tái đầu tư vào các dự án mới có triển vọng tạo ra lợi nhuận cao hơn trong tương lai, hoặc sử dụng để giảm bớt nợ, tiết kiệm chi phí lãi vay, cải thiện cơ cấu tài chính. Chưa dừng lại ở đó, việc quyết định chia cổ tức bao nhiêu phần trăm là tiền, bao nhiêu phần trăm là cổ phiếu cũng không đơn giản. Chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ quá cao thì nguồn lực để lại công ty sẽ hạn chế, chưa kể cổ đông nhận cổ tức bằng tiền mặt cũng chịu thiệt thòi khi phải đóng thuế thu nhập. Ngược lại, chia cổ tức bằng cổ phiếu quá nhiều sẽ dẫn tới áp lực pha loãng cổ phiếu, mang đến những lo ngại không nhỏ cho nhà đầu tư.