|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi phí vận tải tăng 300% vì thiếu container rỗng

16:38 | 08/12/2020
Chia sẻ
Việc thiếu container rỗng khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, các đơn hàng xuất đi cũng giảm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi phí tăng cao do thiếu container rỗng

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phản ánh tình trạng thiếu hụt container rỗng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao, thậm chí doanh nghiệp giao trễ các đơn hàng. 

Theo khảo sát của VLA, vấn đề thiếu hụt container rỗng xảy ra đối với tất cả tuyến vận tải, trong đó tuyến vận tải đến Mỹ chiếm phần lớn.

Nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng thiếu hụt container rỗng đã được đề cập đến như: các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong vấn đề container rỗng với hãng tàu, trong các tuyến vận tải nào, nguyên nhân của những khó khăn này… 

Trước đó, theo kết quả khảo sát, các khó khăn khi hoạt động với hãng tàu về container rỗng: 40% doanh nghiệp nêu khó khăn do cảng cạn, 43% doanh nghiệp nói do bộ phận booking, 17% doanh nghiệp được hỏi trả lời do bộ phận kinh doanh.

VLA nhận định cuối năm thường là cao điểm của tình trạng khan hiếm container rỗng, đặc biệt năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID -19 làm thay đổi cán cân xuất nhập khẩu càng khiến cho tình trạng này trở nên phức tạp hơn 

Trao đổi với người viết ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh, điều này khiến số lượng container rỗng ở cảng khan hiếm. 

Thêm vào đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đưa ra giá thuê cao hơn nên container rỗng đổ về đây nhiều hơn.

“Nếu tàu nước ngoài chỉ chở container rỗng sang Việt Nam thì chi phí rất cao. Do đó, chỉ chờ vào việc nhập khẩu hàng hóa sau đó dùng các container đó để đóng đợt hàng tiếp theo xuất đi. Tuy nhiên, do lượng hàng hóa nhập khẩu về ít, Việt Nam liên tục xuất siêu dẫn đến tình trạng thiếu hụt container”, ông Nguyên nói

Theo Bộ Công Thương tháng 11 ước tính xuất siêu 660 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỉ lục 20,16 tỉ USD.

Ông Nguyên cho biết chi phí vận tải tăng gấp 2 - 3 lần do thiếu container rỗng. Một số doanh nghiệp chế biến rau quả có thể chấp nhận được giá đó nhưng hàng tươi thì không. 

Chia sẻ những khó khăn do tình trạng thiếu hụt container, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết công ty anh chịu ảnh hưởng lớn từ điều này. 

Theo đó, lượng xuất hàng giảm 40%. Chi phí vận tải tăng gấp 300%. Trong khi đó, nhu cầu xuất hàng của Trung Quốc lớn khiến lượng container cho các doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều.

"Chúng tôi vẫn đang chiến đấu với các hãng container hàng ngày. Phương án trước mắt của Phúc Sinh là chuyển từ bán từ hình thức CNF sang FOB. Bên cạnh đó, chúng tôi hạn chế thu mua tiêu để tránh việc dư hàng", ông Thông nói.

Đối với doanh nghiệp dệt may, tình trạng thiếu container rỗng gây ảnh hưởng nhưng không quá lớn. 

Trao đổi với người viết, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết nhiều lô hàng phải đi bằng đường hàng không, đặc biệt là những đơn vị sản xuất khẩu trang trang, kéo theo chi phí đắt hơn. Trong khi đó, giá khẩu trang trên thế giới đang có xu hướng giảm. 

Chi phí vận tải tăng 300% vì thiếu container rỗng - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh

"Tuy nhiên, việc thiếu container rỗng ảnh hưởng không nhiều bởi quần áo, may mặc không chịu áp lực về việc bảo quả, thời gian vòng đời giống như thực phẩm tươi", ông Giang nói.

Kiến nghị nhà nước hỗ trợ một phần chi phí chênh lên do thiếu container rỗng

Để khắc phục tình hình hiện tại, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị nhà nước bù lỗ phần nào giá cước cao lên.

"Theo tôi, nhà nước nên xem xét việc hỗ trợ một phần chi phí nếu doanh nghiệp chứng minh được họ thiệt hại về chi phí do thiếu container rỗng", ông Nguyên nói. 

Theo VLA để khắc phục tình trạng thiếu container rỗng như hiện nay, cần tăng cường ủy quyền công tác sửa chữa công rỗng cho các cảng cạn để đáp ứng hiệu quả chất lượng comtainer và giảm thời gian chờ.

Chủ hàng sử dụng hiệu quả container rỗng để trả lại cho cảng cạn dùng cho các chủ hàng khác.



H.Mĩ