|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chỉ cần 5,9 tỷ đồng để lọt vào top 1% người giàu nhất Việt Nam?

12:42 | 16/02/2022
Chia sẻ
Tính riêng năm ngoái, chỉ 10% người giàu nhất đã nắm giữ hơn một nửa lượng tài sản tại Việt Nam, trong khi nhóm 50% nghèo nhất chỉ nắm trong tay khoảng 5,6% tài sản.

Dữ liệu từ tổ chức World Inequality Database (WID) cho thấy, vào năm ngoái, top 1% người giàu nhất Việt Nam đã nắm trong tay khoảng 26,5% tổng tài sản của cả nước. Nếu tính gộp top 10% người giàu nhất thì tỷ lệ này tăng lên đến 59%, tức chiếm hơn một nửa.

Trong khi đó, nhóm 50% người nghèo nhất chỉ chiếm khoảng 5,6% tổng tài sản, tương đương 1/10 so với khối tài sản của top 10% người giàu nhất Việt Nam.

 

Trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2021, tỷ lệ nắm giữ tài sản của ba nhóm trên đều không biến động nhiều, lần lượt đạt trung bình là 25,5% đối với top 1%, 58,6% đối với top 10% người giàu nhất và gần 5,6% đối với nhóm 50% người nghèo nhất.

Trong năm ngoái, giá trị tài sản trung bình của top 1% người giàu nhất Việt Nam rơi vào khoảng 814.776 USD (tương đương hơn 18,5 tỷ đồng), của top 10% người giàu nhất là 181.132 USD (tương đương hơn 4,1 tỷ đồng). Song, tài sản trung bình của nhóm 50% người nghèo nhất chỉ đạt 3.429 USD (tương đương gần 78 triệu đồng).

 

Tính riêng năm ngoái, một người cần sở hữu khối tài sản khoảng 259.149 USD (tương đương gần 5,9 tỷ đồng) để lọt vào top 1% người giàu nhất và cần 61.313 USD (tương đương gần 1,4 tỷ đồng) để ghi tên vào danh sách 10% người giàu nhất.

 

Trong hơn hai năm qua, dù đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói, nhưng nó vẫn không thể làm sa sút khối tài sản của những người giàu, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên cả thế giới.

Đơn cử, 10 tỷ phú giàu nhất hành tinh đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Giá cổ phiếu và bất động sản tăng lên đã làm gia tăng tình trạng chênh lệch giàu nghèo, theo báo cáo từ tổ chức từ thiện Oxfam.

Cuối năm ngoái Oxfam dẫn số liệu của World Bank cho biết toàn thế giới đã có thêm 163 triệu người rơi vào cảnh nghèo khổ, trong khi giới siêu giàu được hưởng lợi từ các gói kích thích do chính phủ các nước trên thế giới đưa ra nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.

Thu nhập của 99% dân số thế giới đã giảm trong giai đoạn tháng 3/2020 - 10/2021. Ngược lại, tỷ phú Elon Musk - CEO của hãng xe điện Tesla và 9 tỷ phú giàu nhất thế giới khác lại chứng kiến khối tài sản ròng tăng mạnh. Thậm chí, mỗi ngày khối tài sản ròng của họ tăng trung bình tới 1,3 tỷ USD.

Khả Nhân