Cháy nhà 'lộ ra' nhiều sai phạm của chung cư mini
Không được định danh, không có cơ sở pháp lý nhưng chung cư mini vẫn tồn tại, thậm chí nở rộ. Hệ lụy không chỉ dừng lại ở rủi ro pháp lý mà người dân phải gánh chịu mà lớn hơn là những hậu quả không thể khắc phục như vụ cháy vừa xảy ra tại quận Thanh Xuân, Hà Nội với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản là một minh chứng rõ nét nhất. Cháy nhà đã "lộ ra" nhiều sai phạm của chung cư mini.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện quy định, quy chế phòng cháy, chữa cháy với các chung cư mini, khu vực đông dân cư nhưng đường giao thông chật hẹp…. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân về phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng ứng phó cháy nổ, thoát hiểm khi xảy ra các sự cố. Cùng đó, tăng cường bảo đảm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra, giám sát…
Cơ quan chức năng khẳng định, tên gọi chung cư mini chưa bao giờ được thừa nhận và thẩm định hồ sơ công trình dưới tên gọi này. Trên thực tế, việc xin giấy phép xây dựng, bán hay cho thuê thì chủ cơ sở của mô hình này đều đề tên loại hình là công trình nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân các chủ đầu tư dễ dàng xin giấy phép riêng lẻ cho loại hình nhà ở này là bởi hiện chưa có quy định nào buộc phải xác định mục đích sử dụng sau này của chủ cơ sở.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), không có loại hình chung cư mini tồn tại trên pháp luật mà đây là một dạng biến tướng. Trước mắt, trong ngắn hạn, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản quán triệt để UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể để cho người dân khi đầu tư xây dựng phải xác định rõ thế nào là nhà ở riêng lẻ. Đồng thời, phải tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn nào và thế nào là loại hình nhà ở để kinh doanh.
Còn về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để quy định và hướng dẫn cụ thể hơn, chặt chẽ và đầy đủ hơn – ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Trung tá Nguyễn Tiến Nam – Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC và CHCN) Công an Hà Nội cho biết, tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC thì nhà ở riêng lẻ không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Tuy nhiên, chủ hộ gia đình, người đứng đầu các cơ sở có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, Nghị định của Chính phủ về Luật PCCC và đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy cho công trình.
Trên thực tế, để đảm bảo yêu cầu về PCCC, các công trình chung cư phải đáp ứng các yêu cầu khá nghiêm ngặt như lối thoát nạn, vật liệu chống cháy, hạ tầng giao thông xung quanh. Chính vì vậy, các chủ cơ sở chung cư mini sử dụng giấy phép nhà ở riêng lẻ để xây dựng loại hình nhà ở này nhằm né tránh quy định nghiêm ngặt về PCCC mà các chung cư nói chung phải đáp ứng. Đây cũng chính là “lỗ hổng” đặt ra cho các các cơ quan chức năng và cần giải quyết cấp bách.
Các chuyên gia cũng chung nhận định, trong các văn bản về quy phạm pháp luật xây dựng cũng không có tiêu chuẩn gì riêng cho loại hình nhà ở mà mật độ người sinh sống đông với nguy cơ cao về an toàn… Từ khâu cấp phép xây dựng, vận hành loại nhà ở này đã cho thấy bất cập trong quản lý.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh phân tích, bản chất chung cư mini không khác chung cư thường nhưng là quy mô nhỏ hơn. Chung cư này có nhiều chủ sở hữu và cũng có các trang tiết bị riêng rất phức tạp. Tuy nhiên, nó lại đang tồn tại dưới hình thức nhà ở riêng lẻ nên hình thức đầu tư chỉ là cấp giấy phép xây dựng theo kiểu nhà ở riêng lẻ.
Do đó, chủ sở hữu của các tòa nhà này dễ dàng bỏ qua được hàng loạt thủ tục khó có thể đáp ứng mà chung cư thông thường đang phải áp dựng. Diện tích thì nhỏ nhưng chung cư mini đang vận hành với số hộ dân sinh sống đông, nếu tính ra mật độ dân số trên diện tích sử dụng rất cao nhưng lại không bị quản lý bởi cơ quan chức năng. Đặc biệt, với khâu PCCC vì với loại hình nhà ở riêng lẻ thì yêu cầu về PCCC chỉ là khuyến cáo, chứ không bắt buộc.
Chung cư mini số 58 B+C ngõ 117 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội có cùng chủ sở hữu của chung cư vừa bị cháy tại quận Thanh Xuân. Ông Nguyễn Văn Nghĩa–một người dân sống tại tầng 8, phòng 801- của căn chung cư ở Thái Hà chia sẻ, gia đình ông mua 2 căn hộ tại đây, mỗi căn hơn 30 m2 với giá lần lượt là 700 và 720 triệu đồng. Trong 2 căn hộ có tổng diện tích hơn 60 m2 có 7 người sinh sống. Mua nhà và vào ở được 3 năm thì ông Nghĩa mới phát hiện có nhiều nguy hiểm cháy nổ rình rập trong nơi ở của mình.
Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, nhiều cư dân sống tại chung cư 58 B+C ngõ Thái Hà rất lo lắng. Họ phải họp khẩn để bàn giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của gia đình mình. Ông Phạm Duy Hưng – Quản lý tòa nhà chung cư mini này cho biết, các cư dân họp bàn và đưa ra giải pháp triệt để đảm bảo an toàn PCCC như hạn chế tuyệt đối xe gửi bên ngoài, cấm xe điện không được sạc qua đêm.
Đáng lo ngại là chung cư này dù có 150 người sinh sống nhưng chỉ có 1 cửa ra vào duy nhất và cũng dung để thoát hiểm. Nhiều người dân phản ánh, do thiết kế xây dựng của tòa nhà này bất cập nên nếu xảy ra tình huống hỏa hoạn thì họ cũng không biết thoát ra bằng cách nào cho an toàn.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn – bảo vệ tòa chung cư này cho biết, theo thiết kế thì chung cư chỉ có 1 đường ra - vào duy nhất chứ không có đường thoát hiểm riêng. Nếu cháy từ bên dưới thì cách duy nhất là chạy ngược lên phía trên còn thoát tiếp đi đâu thì cũng không biết.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh cho biết, tên gọi chung cư mini không có trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng trên thực tế, trong Luật Nhà ở có loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều căn hộ. Qua kiểm tra thực tiễn tại hiện trường thì công trình bị cháy gây hậu quả nghiêm trong xảy ra tại quận Thanh Xuân là thuộc loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều căn hộ mà đang quen được gọi là chung cư mini.
Trong xây dựng đã có quy định về loại hình công trình xây dựng này. Thế nhưng, khi cấp giấy phép vẫn là công trình nhà ở riêng lẻ, và nhiều khi giấy phép cấp cũng không mô tả cụ thể về việc công trình có nhiều căn hộ hay không. Đối với loại hình này, đặc điểm kỹ thuật không khác gì chung cư bình thường nhưng có quy mô nhỏ. Thực tế, mật độ quá dày sử dụng quá dày, hạ tầng không đảm bảo, kể cả an toàn cháy nổ.
Mọi chung cư phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan; trong đó, phải thiết kế đảm bảo các yêu cầu về PCCC; trong đó, đã là chung cư phải xây dựng ở địa điểm phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt. Mật độ dân số cũng cần được tính đến để phù hợp với giới hạn cho phép. Có như vậy, hạ tầng kỹ thuật, xã hội mới đảm bảo – ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong thiết kế chung cư cũng phải tính đến đường cho xe chữa cháy, xe cứu hộ cứu nạn tiếp cận khi hỏa hoạn xảy ra. Điều này là các chung cư mini không thể thỏa mãn. Nếu theo Luật PCCC và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC thì các công trình chung cư từ 5 tầng trở lên là phải được thẩm duyệt theo Luật PCCC; trong đó có việc tuân thủ quy định về an toàn PCCC.
Trong khi đó, chung cư vừa xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng cao tới 9 tầng nhưng lại chỉ có 1 lối thoát và lối này chính là thang bộ nên không đảm bảo an toàn. Theo yêu cầu về quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình được Bộ Xây dựng ban hành thì cầu thang thoát nạn này phải là cầu thang kín, có nghĩa là cầu thang kín phải được đặt trong buồng thang để khi có đám cháy xảy ra thì khói không thể lọt vào buồng thang để đảm bảo cho người vào đó và thoát ra 1 cách an toàn, không bị nhiễm khói. Vì trên thực tế người chết ở nhiều vụ hỏa hoạn là do nhiễm khói – ông Ngọc Anh phân tích.
Theo ông Ngọc Anh, tòa nhà có quy mô nhỏ hơn 500 m2/sàn thì quy định phải có 1 lối thoát nạn khẩn cấp. Ban công từ logia, cửa sổ cũng có giải pháp để người ở đó thoát ra ngoài được trong trường hợp đường thang bộ không thoát được. Cùng đó, phải có giải pháp ngăn cháy lan để tránh lan từ công trình này sang công trình khác.
Hiện quy định của pháp luật đang được phân cấp rất mạnh. Trước tình hình đó, các địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình cần phổ biến cho chủ sở hữu các công trình này và kể cả nhà dân về Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng cùng các Nghị định, Thông tư liên quan.
Ông Ngọc Anh khuyến cáo, người dân cũng nên cập nhật kiến thức pháp luật, tránh mua bán những sản phẩm thiếu nhiều yêu cầu theo quy định của Nhà nước.
Đặc biệt, các địa phương cần căn cứ chức năng của mình, dựa vào quy định của pháp luật và khi được phân cấp thì nên ban hành hướng dẫn để đối tượng liên quan như chủ đầu tư, người mua, người thuê sản phẩm có hướng dẫn cụ thể để thực thi.
Cùng đó, khâu thanh kiểm tra của các địa phương cũng rất quan trọng. Thời gian qua, các vi phạm về cấp phép, không đảm bảo điều kiện an toàn… đều do địa phương được phân cấp nhưng lại buông lỏng quản lý; trong đó, có vấn đề sai phép xây dựng, tuân thủ quy định về PCCC.
Từ vụ việc vừa xảy ra, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm sớm cần ban hành các quy định có liên quan về PCCC có dịp xem lại. Nếu còn khe hở của pháp luật thì nhanh chóng hoàn thiện, bổ sung. Việc ban hành các quy định cần kỹ hơn, chi tiết hơn để triển khai ra cuốc sống thuận lợi và hiệu quả.