|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chật vật kiếm Tết

08:10 | 01/02/2024
Chia sẻ
Tan ca ở xưởng ớt lúc 16h, thấy vẫn còn sớm bà Lê Thị Nga, 58 tuổi, chạy xe máy rảo quanh quận Bình Tân hỏi xin phụ việc.

Người phụ nữ quê Vĩnh Long ghé bốn quán cà phê và tiệm ăn nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu nên đành quay về phòng trọ ở đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo. Bà Nga đã thất nghiệp suốt 9 tháng qua nhưng cận Tết là thời gian cả gia đình chật vật nhất bởi vật giá leo thang, nhiều chi phí phát sinh.

"Tuần nào họ hàng dưới quê cũng gọi hỏi khi nào về Tết mà tôi không dám trả lời", bà Nga nói. "Cố ở lại đây kiếm được đồng nào hay đồng nấy".

Bà Lê Thị Nga ở phòng trọ thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM, chiều 26/1. (Ảnh: Ngọc Ngân).

10 năm trước, bà Nga cùng chồng và hai con trai dắt nhau lên TP HCM làm phụ hồ. Con lớn lập gia đình, họ thuê hai phòng trọ 12 m2 cạnh nhau ở quận Bình Tân giá 1,3 triệu mỗi tháng.

Trừ con trai út còn nhỏ chưa đi làm, thu nhập hàng tháng của vợ chồng bà được khoảng 8-10 triệu đồng một người, đủ sinh hoạt phí và "dư chút đỉnh" để tiết kiệm. Những năm trước, Tết nào bà cũng đưa cả gia đình về quê, chi tiêu tằn tiện hết mức có thể cũng tốn gần chục triệu cho tiền xe, biếu ông bà và mua sắm Tết.

Nhưng khoản tiền tích lũy của gia đình đã cạn sau hai năm Covid-19. Đầu 2023, cả gia đình bà Nga nằm trong làn sóng thất nghiệp bởi các nhà thầu sa thải nhiều công nhân. "Lần cuối cùng tôi được theo công trình dài hạn là tháng 3/2023", bà Nga nói. " Từ đó đến nay cả nhà sống lay lắt, ai kêu gì làm nấy".

Cận Tết, họ đã nợ hai tháng tiền phòng. Chủ trọ liên tục hối đóng tiền bởi "nợ không để qua năm". Tuần ba lần, bà Nga nhận được điện thoại của họ hàng ở quê động viên cứ về, nhà có gì ăn nấy nhưng bà cảm thấy xấu hổ và sốt ruột.

"Nhà toàn người lành lặn chẳng lẽ không lo nổi cái Tết", bà Nga nói. "Tôi cứ nghĩ gần Tết sẽ nhiều việc hơn nhưng hóa ra không phải vậy".

Bà Nga chủ động tìm việc. Mỗi chiều, bà chạy xe khắp quận, gặp công trình xây dựng, quán ăn, cà phê là ghé vào hỏi nhưng đa số từ chối, bởi họ đã đủ nhân sự. Biết mình là nhóm lao động trung niên, rất khó xin vào các công ty nên bà không từ chối việc gì, miễn có tiền.

Cuối năm 2023, bà sống nhờ vào công việc nhặt, lựa ớt ở một xưởng cách phòng trọ 3 km, tiền công 35.000 đồng một giờ. Tuy nhiên, công ty chỉ liên hệ khi có đơn hàng, ca làm việc khoảng 3-5 giờ mỗi ngày. Cùng với đó, gia đình nhận ớt về nhà lặt cuống, mỗi cân được trả 2.000 đồng.

Lâm Thị Khánh Châu, 22 tuổi (con dâu bà Nga), cũng đăng thông tin tìm việc phụ hồ trong chục hội, nhóm Facebook. Họ tìm được vài công trình trong quận, lương 200.000-300.000 đồng một ngày nhưng kéo dài không lâu. Cuối năm nên nhà thầu muốn đẩy nhanh tiến độ để nghỉ sớm. Một số công trình khác ở Bình Dương, Đồng Nai cần thợ nhưng gia đình chỉ có một chiếc xe máy đành chịu.

Châu chọn phụ mẹ chồng nhặt ớt sau khi bị từ chối nhiều công việc. Cô quê Trà Vinh, từng làm nhân viên công ty bất động sản nhưng hiện đã giải thể. Năm ngoái, Châu không về quê bởi sinh em bé, gia đình cô trông đợi vào năm nay. Những ngày qua, tiền bỉm, sữa của con đã cạn trong khi giá vé xe tăng, Châu biết mình không có nhiều sự lựa chọn nên chấp nhận việc gia công. "Tôi không dám hứa với gia đình là Tết sẽ về vì sợ mọi người thất vọng", cô nói.

Gia đình bà Nga thuộc nhóm 906.000 người trong độ tuổi lao động nhưng thiếu việc làm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong quý 4/2023. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 1,61%.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2023 đã có hơn một triệu người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 13% so với cùng kỳ

Theo khảo sát hồi quý III/2023 của Navigos Search, gần 70% doanh nghiệp chọn sa thải lao động khi gặp khó khăn, tiếp đến là tạm dừng tuyển dụng mới. Quý III, cả nước ghi nhận 118.400 lao động mất việc, tập trung ở hai tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương 33.600 người và TP HCM 34.600 người.

Số liệu Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM cho thấy trong số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhóm lao động phổ thông, không bằng cấp chứng chỉ như bà Nga chiếm 52%. Ở nhóm lao động nữ, 16% người mất việc trên 40 tuổi, tỷ lệ này ở nam là 14%.

Thạc sĩ Bùi Thị Minh Hà - giảng viên Xã hội học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết trước Tết là khoảng thời gian đặt người thất nghiệp vào rất nhiều áp lực. Nhiều trường hợp thất nghiệp do các công ty không có đơn hàng hoặc chi phí phúc lợi cho nhân viên dịp Tết. Trong khi đó, người lao động vẫn có nhu cầu chi tiêu Tết, vật giá tăng.

Chuyên gia cho rằng bên cạnh mặt ứng phó để sinh tồn, bao gồm các chi phí, ăn uống, đi lại, sinh hoạt, họ cũng đối mặt với sự áp lực tâm lý cận lễ Tết. Họ cũng cảm thấy xấu hổ, trống vắng hoặc cảm tưởng "bị tách khỏi xã hội" khi so sánh mình với người khác, hoặc với chính bản thân mình các năm trước.

Người thất nghiệp buộc phải tìm nhiều công việc khác (bán thời gian, gia công, thời vụ) để xoay xở. Tuy nhiên, điều này là không dễ trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

 

Bà Lê Ánh Nguyệt, 60 tuổi là một ví dụ. Người phụ nữ quê Đồng Tháp thất nghiệp trước Tết ba tháng. "Tôi cảm thấy chới với", bà nói.

Trước đó, bà là nhân viên tạp vụ ở quán cà phê nằm trong chung cư phường 16, quận 8, TP HCM. Kinh doanh khó khăn, họ buộc phải cắt giảm nhân sự, bà Nguyệt nằm trong danh sách đầu tiên. Cùng tháng, con gái bà phát hiện khối u ở ngực buộc phải mổ. Người phụ nữ vét hết tiền tích lũy để lo cho con.

Con khỏe cũng là thời điểm cận Tết. Đồng lương giao hàng của chồng ở công ty in ấn chỉ đủ trả tiền trọ, điện, nước, bà Nguyệt với lao vào kiếm việc mới.

Bà đến chung cư mình từng làm việc, nơi các cư dân đã "ra vào biết mặt" nhận dọn dẹp nhà thời vụ cho họ. Một người thuê bà tưới cây mỗi sáng, lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Còn lại, bà nhận dọn nhà, chùi tủ kính, lau sàn cho người bận rộn, tiền công 60.000 đồng mỗi giờ. Bà thừa nhận công việc này không đều đặn, mỗi tháng chỉ được vài lần. Người phụ nữ cũng thử cầm hồ sơ đi tìm các công ty may mặc, quán ăn, nhà hàng có tuyển phục vụ nhưng họ đều từ chối bởi tuổi bà đã lớn.

"Tôi không còn cách nào khác đành 'cày' việc thời vụ dù cộng lại chưa được bốn triệu mỗi tháng", bà Nguyệt nói. "Qua Tết tôi sẽ tính cách khác".

Đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM cho biết nhu cầu ứng viên tìm việc thời vụ Tết tăng cao hơn hẳn so với các tháng trong năm và cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các công việc thời vụ bao gồm dán lịch Tết, phụ bán hàng, giúp việc nhà, nhân viên siêu thị, giao hàng, bảo vệ. Mức lương dao động 25.000 – 55.000 đồng một giờ hoặc 140.000 – 400.000 đồng một ngày.

Họ chủ yếu là lao động độ tuổi 20-35, đa dạng thành phần lao động và ngành nghề. Người đại diện cho rằng người thất nghiệp có thể tìm đến việc thời vụ bởi có nhiều đầu việc cùng mức lương tương đối tốt. "Tuy nhiên, nếu họ thiếu kỹ năng tìm kiếm thông tin trên không gian mạng sẽ dễ bị lừa gạt", đại diện cho biết.

Chuyên gia xã hội học Bùi Thị Minh Hà cho rằng áp lực thất nghiệp trước Tết sẽ lớn hơn thất nghiệp thời điểm trong năm và đặt ra các vấn đề về an sinh. Theo bà, những lao động này cần cơ quan quản lý có sự hỗ trợ thiết thực về mặt vật phẩm và hỗ trợ kết nối để có việc làm. "Đặc biệt là đối với nhóm lao động trung niên và lớn tuổi chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của thị trường việc làm sau Covid-19 và suy thoái kinh tế", bà Hà nói.

Rằm tháng Chạp, Châu mang túi ớt 50 kg về phòng trọ, vừa nhặt vừa trò chuyện với em gái ở Trà Vinh qua điện thoại. Mọi năm cô thường dành ít tiền cho em sắm quần áo mới nhưng năm nay buộc phải cắt.

"Thương em, nhớ nhà nhưng không biết làm sao", Châu nói. "Tôi chỉ mong Tết qua mau, mọi thứ sẽ khác hơn".

Ngọc Ngân