|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chấp nhận kinh tế thị trường thì không có “giải cứu”!

07:52 | 23/06/2017
Chia sẻ
Vài năm lại đây, ta nghe quen các câu chuyện “giải cứu”, giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn, giải cứu vịt… Trước đây, hoạt động giải cứu được dùng cho việc cứu người khỏi hoàn cảnh bất khả kháng như thiên tai, dịch họa, tai nạn lao động, sập hầm lò, cháy nhà… Nhưng thời gian gần đây, khái niệm ấy lại được gắn cho cả việc cứu nông sản… Vậy việc giải cứu như vậy có đúng bản chất nền kinh tế thị trường không?
chap nhan kinh te thi truong thi khong co giai cuu
Sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng cũng tham gia bán dưa hấu giúp nông dân xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ảnh: baoquangngai.vn

Chúng ta đang bước vào ngưỡng kinh tế thị trường thì hãy sớm quên ngay chuyện “giải cứu” nông sản do khủng hoảng thừa, bởi bản chất kinh tế thị trường là tự điều tiết, tự điều chỉnh. Sự điều tiết đó là: Các nhà hoạch định chính sách phải có dự báo sớm, dự báo chính xác về thị trường, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Theo đó là cảnh báo hệ quả xấu sẽ xảy ra nếu “người người cùng làm, nhà nhà cùng làm” một sản phẩm dẫn đến thực trạng cung vượt cầu và hệ lụy tất yếu là giá cả thấp hơn giá thành và tất nhiên người sản xuất, nhà sản xuất sẽ lỗ nặng.

Nhiều tháng nay, giá lợn hơi, vịt hơi xuống dưới 20.000 đồng/kg, rẻ hơn khoai. Thật xót xa cho nhà nông. Ai không thương nông dân là nhẫn tâm nhưng suy cho cùng không thể cứ lặp lại điệp khúc “giải cứu” mãi được.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ban hành một văn bản “giao chỉ tiêu” mỗi giáo viên phải tiêu thụ 10kg thịt lợn/tháng/người với giá 30.000 đồng/kg lợn hơi. Ngay lập tức văn bản đó bị thu hồi bởi nhiều gia đình giáo viên đang ế đàn lợn trong chuồng, chưa tự cứu được mình!

Quả dưa, con gà, con vịt, con lợn của nhà nông là đối tượng đã từng “giải cứu”, nay lại đến lượt “giải cứu” cả núi than ế cao như núi Thái Sơn của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam lên tới 9,3 triệu tấn. Than ế, nhưng khách hàng VIP là Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến giảm mua 2 triệu tấn, trong khi Chính phủ giao chỉ tiêu năm nay ngành Than phải khai thác thêm 2 triệu tấn.

Buồn là, nếu không giải cứu được 9,3 triệu tấn than thì 4.000 lao động của ngành Than có nguy cơ nghỉ việc. Rõ ràng, trong nội tại tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của ngành Than đang chứa đựng nhiều mâu thuẫn đối kháng rất trầm trọng. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo rõ ràng dứt khoát là không trông chờ vào sự “giải cứu” của các đối tác, đưa vai ra gánh vác khó khăn của ngành Than. Như vậy, ngành Than phải tự cứu mình.

Xét về bản chất quy luật kinh tế thị trường: Không thể vận hành trơn tru nền kinh tế nếu có sự can thiệp ngoài luồng. “Ông điện” gánh cho “ông than” 2 triệu tấn với giá bán cao đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào cho mỗi kWh điện tăng và hệ lụy là khách hàng mua điện chịu trận. Và, điều quan trọng là sự can thiệp đó sẽ làm biến đổi bản chất… thành phi thị trường!

Đã có một thời gian dài và ngay cả hiện tại, chúng ta cổ súy: “Dùng hàng nội là yêu nước” để khuyến khích tiêu thụ hàng nội, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh. Nhưng thử hỏi cùng một mặt hàng tiêu dùng, cùng một mức giá bán nhưng chất lượng hàng ngoại tốt hơn thì người tiêu dùng không thể yêu hàng nội được! Chỉ đến khi nào hàng nội và hàng ngoại ngang nhau về giá cả và có cùng chất lượng thì người tiêu dùng mới chọn mua hàng nội. Thái độ rõ ràng, rạch ròi của người tiêu dùng cũng là “thuốc đắng dã tật” để doanh nghiệp trong nước phải phấn đấu vươn lên, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Bản chất thị trường là vậy.

Để tồn tại và phát triển trong một nền kinh tế năng động thì mỗi người sản xuất, mỗi nhà sản xuất phải luôn luôn nhớ rằng, tự cứu mình trước khi người khác đến giải cứu. Suy cho cùng, đó cũng là sự cạnh tranh lành mạnh, có như thế mới thúc đẩy xã hội phát triển nhanh, phù hợp với xu thế của thời đại.

Thế Lữ