|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chậm di dời hạ tầng lưới điện để thi công cao tốc Bắc - Nam

20:24 | 05/12/2023
Chia sẻ
Để thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên cần phải di dời 299 trụ điện cao thế và hạ thế.

Đường dây điện chưa được di dời dẫn đến thi công cầu Kỳ Lộ (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) trên cao tốc Bắc - Nam gặp nhiều khó khăn. Ảnh tư liệu: Xuân Triệu/TTXVN

Tuy nhiên, hết tháng 11/2023, chỉ có 1/6 địa phương cơ bản hoàn thành, còn lại đang triển khai thủ tục. Việc chậm di dời hạ tầng lưới điện không chỉ gây chậm tiến độ thi công mà còn ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng và an toàn lao động.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại khu vực xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu thuộc dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh nhiều vị trí trụ điện 110 kV nằm giữa tim đường. Cách đó không xa khu vực đường dẫn đấu nối từ cao tốc vào Quốc lộ 1 cũng phải tạm dừng thi công vì vướng hệ thống lưới điện 22 kV…

Ông Phạm Toàn Thắng, Chỉ huy trưởng gói thầu 12XL (dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh) cho biết, việc chưa di dời hệ thống trụ điện khiến cho đơn vị khó khăn trong vận chuyển vật liệu trên công trường. Dây điện cao thế phía trên còn công nhân và thiết bị cơ giới thi công ở phía dưới nên rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Đơn vị thi công phải liên tục nhắc nhở công nhân lao động; lắp đặt thêm các biển cảnh báo an toàn... 

Để thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Phú Yên cần di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật với tổng số trụ điện cao thế, trung hạ thế là 299 trụ (trong đó: 22Kv/231 trụ; 110Kv/33 trụ; 220Kv/35 trụ). Tuy nhiên, chỉ có huyện Tây Hòa cơ bản hoàn thành (dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong); huyện Tuy An, huyện Phú Hòa, thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa đang trong giai đoạn triển khai thi công hoặc lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, các đơn vị thi công đang tập trung triển khai thi công di dời các đường dây trung, hạ thế; dự kiến đến 31/12 có thể hoàn thành. Đối với các mố cầu là đường găng tiến độ có vướng hạ tầng kỹ thuật lưới điện, thị xã thực hiện phương án di dời và làm cáp ngầm để đảm bảo an toàn. Riêng đường dây 110 kV và 220 kV, thị xã Sông Cầu đã bàn giao vị trí mặt bằng mới cho đơn vị thi công đào hố móng. Tuy nhiên, do thời tiết có mưa liên tục nên rất khó khăn trong việc di dời. Khi hết mùa mưa lũ, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và dự kiến hoàn thành trong quý I/2024.

 

Ngoài việc thời tiết không thuận lợi, nguyên nhân của việc chậm di dời hạ tầng lưới điện phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam được xác định là do công trình này quan trọng, kinh phí lớn, quá trình thực hiện phức tạp. Các địa phương phải rà soát kỹ về đơn giá, định mức, dự toán gói thầu; thời gian lấy ý kiến thẩm định hồ sơ thiết kế với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) kéo dài hơn dự kiến. Bên cạnh đó, việc phê duyệt hồ sơ thiết kế - dự toán và lựa chọn đơn vị xây lắp chậm có kết quả.

Theo ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên (cơ quan thường trực thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam), sở đã yêu cầu các địa phương có hạ tầng lưới điện, nhất là huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu (phạm vi dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh) phải sớm hoàn thành kết quả lựa chọn đơn vị xây lắp, tổ chức di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với tiến độ dự án theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư. 

Các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ để rà soát, đăng ký thời gian cắt - đóng điện cho từng mức điện áp phục vụ di dời đường dây tải điện. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Phú Yên sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp cắt - đóng điện đồng bộ phục vụ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch của các địa phương, dự kiến việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật lưới điện trong phạm vi bị ảnh hưởng phải sang năm 2024 mới có thể hoàn thành.

Xuân Triệu (TTXVN)

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).