|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO Nhựa Bình Minh: Nhiều đối thủ mới áp dụng chính sách cạnh tranh 'tàn phá thị trường'

08:21 | 19/04/2017
Chia sẻ
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Nhựa Bình Minh, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BMP cho biết, xuất hiện nhiều đối thủ mới, tăng cường đầu tư với quy mô lớn và áp dụng chính sách cạnh tranh ở mức độ “tàn phá thị trường”.

Năm 2017, BMP đặt kế hoạch doanh thu 4.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng. Cổ tức bằng tiền tối thiểu 20%. Kế hoạch này được xây dựng ban đầu trên cơ sở giả thiết giá nguyên liệu bình quân 2017 bằng giá nguyên liệu bình quân năm 2016.

ceo nhua binh minh nhieu doi thu moi ap dung chinh sach canh tranh tan pha thi truong

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BMP

Tuy nhiên, trong quý I/2017, bình quân chi phí nguyên liệu tăng 27% so với cùng kỳ, tăng 13% so với trung bình cả năm 2016.

Theo ông Ngân, do giá nguyên liệu tăng, nên trong quý I/2017, dù doanh thu của Công ty tăng 14%, nhưng lợi nhuận chỉ bằng 55% so với cùng kỳ .

Theo tính toán của BMP, nếu giá nguyên liệu bình quân cả năm 2017 tăng 10% so với bình quân năm 2016, thì Công ty sẽ “mất” 240 tỷ đồng lợi nhuận.

Mặt khác, xuất hiện nhiều đối thủ mới, tăng cường đầu tư với quy mô lớn và áp dụng chính sách cạnh tranh ở mức độ “tàn phá thị trường”. Hiện mức chiết khấu của các đối thủ cũng đang rất lớn, cao hơn 12%, nên BMP cũng đang phải tính toán tăng mức chiết khấu để tăng khả năng cạnh tranh.

Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, BMP đã phải tăng chiết khấu thêm 4% - tương ứng “mất” 160 tỷ đồng lợi nhuận.

Theo đó, ông Ngân cho rằng, khả năng thực hiện chỉ tiêu 700 tỷ đồng là rất thách thức và Công ty sẽ phải gia tăng sản lượng bán ra rất lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại, BMP chưa có ý định tăng giá bán, nhưng nếu diễn biến nguyên liệu tiếp tục tăng cao hơn so với dự kiến, thì Công ty sẽ tính toán lại.

Trong năm, Công ty cũng có kế hoạch đầu tư 680 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng khoảng 350 tỷ đồng cho Nhà máy Bình Minh Long An giai đoạn 2. Khi hoàn thiện, BMP sẽ khai thác khoảng 110.000 m2, đảm bảo duy trì sản xuất cho Công ty đến ít nhất năm 2019. Đầu tư thiết bị dự kiến 250 tỷ đồng để tăng cường sản lượng và hiện đại hóa, tự động hóa các nhà máy hiện nay. Dự kiến đầu tư cho sản phẩm mới 80%.

BMP có tờ trình hủy bỏ việc sáp nhập CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) vào BMP theo phương án sáp nhập thông qua hoán đổi cổ phần. Tại ĐHCĐ năm 2016, BMP đã được cổ đông thông qua kế hoạch mua lại DPC bằng cách nâng tỷ lệ sở hữu tại DPC lên 100% từ mức 29,05%. Tuy nhiên, thủ tục sáp nhập của 2 công ty lại cần sự đồng thuận của cổ đông cả hai công ty. Theo đó, BMP tìm kiếm hình thức hợp tác khác có lợi cho công ty, có lợi cho cổ đông.

ceo nhua binh minh nhieu doi thu moi ap dung chinh sach canh tranh tan pha thi truong

BMP cũng xin ý kiến cổ đông về việc thay ngành nghề để chuẩn bị cho nới room. Cụ thể, công ty sẽ bỏ hai ngành nghề kinh doanh là vận tải và quảng cáo trong điều lệ công ty. Tiếp đó, công ty sẽ hoàn tất thủ tục cần thiết để nới room lên 100%.

Liên quan đến việc SCIC thoái vốn tại BMP, đại diện SCIC chia sẻ, cả BMP và NTP đều nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC trong năm 2017, nhưng thời điểm nào, phương thức bán ra sao, thì SCIC cần phải cân nhắc nhằm đảm bảo thoái vốn hiệu quả.

Năm 2016, BMP đạt doanh thu hơn 3.678 tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận trước thuế 784 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Cổ tức bằng tiền mặt 40%, đã tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 20%.

Trong năm 2016, BMP cũng đầu tư dự án ERP. Hiện Công ty đang vận hành phân hệ EBS tại BMG.

Công ty cũng có tờ trình về việc trả cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 80% (tương đương gần 364 tỷ đồng), trích từ quỹ đầu tư phát triển. Ngay sau ĐHCĐ, HĐQT BMP sẽ họp, ra nghị quyết và thực hiện sớm nhất chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu. Dự kiến trong tháng 6/2017, cổ đông sẽ nhận được cổ tức bằng tiền, khoảng 3-4 tháng sau thì cổ tức bằng cổ phiếu sẽ về tài khoản.

Phan Hằng