|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cấu trúc cổ đông của An Phát Holdings khi nhóm lãnh đạo chủ chốt thoái vốn

08:40 | 26/09/2024
Chia sẻ
Nhiều lãnh đạo An Phát Holdings (Mã: APH) có động thái bán ra phần lớn hoặc toàn bộ lượng cổ phiếu sở hữu trong thời gian gần đây. Câu hỏi đặt ra là ai sở hữu công ty khi nhóm nội bộ lần lượt thoái vốn.

Lãnh đạo thoái vốn, giảm chỉ tiêu kinh doanh

Từ ngày 23/8 đến 20/9, 4 người nội bộ tại An Phát Holdings đã bán ra cổ phiếu như đăng ký trước đó. Khối lượng bán tổng cộng 2,5 triệu cp.

Trong đó bao gồm Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Phạm Đỗ Huy Cường; Phó Tổng Giám đốc Hòa Thị Thu Hà; Phó Tổng Giám đốc Trần Thị Thoản; Phó Chủ tịch thường trực kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Tiện.

Chủ tịch HĐQT Phạm Ánh Dương đã đăng ký bán toàn bộ gần 12 triệu cp đang sở hữu, tương đương 4,87% vốn. Văn bản đăng ký giao dịch nêu mục đích là tái cơ cấu danh mục. Không lâu sau đó, ông Dương nộp đơn xin rút khỏi hội đồng quản trị vì lý do công việc cá nhân.

Ông Dương đã làm việc cho An Phát Holding nhiều năm trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT từ tháng 3/2017 và tiếp tục đảm nhiệm vị trí này trong nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Cùng thời gian này, Hội đồng Quản trị thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2024. Nghị quyết HĐQT ngày 5/9 (công bố ngày 6/9) về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vẫn do ông Dương ký tên đại diện HĐQT.

Cụ thể, doanh thu thuần dự kiến giảm hơn 7% từ 14.000 tỷ đồng theo kế hoạch ban đầu xuống còn 13.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 10,5% từ 314 tỷ xuống 281 tỷ đồng. Công ty không nêu lý do điều chỉnh kế hoạch. Song, điều này có thể cho thấy ban lãnh thận trọng hơn với khả năng hoàn thành kế hoạch ban đầu đề ra, hoặc nhằm có con số so sánh ấn tượng hơn ở kịch bản vượt kế hoạch.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2024 hợp nhất đã soát xét, công ty đã thực hiện 51% về doanh thu và 96% chỉ tiêu lợi nhuận nếu so với kế hoạch mới điều chỉnh.

An Phát Holdings thông báo triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 9/10 tại trụ sở ở Hải Dương. Cuộc họp dự kiến xoay quanh việc miễn nhiệm/bầu bổ sung thành viên HĐQT, báo cáo liên quan hoạt động kinh doanh và một số nội dung khác.

Giữa các yếu tố biến động trên, thị giá APH tiếp tục chìm sâu trên sàn HOSE. Tính từ đầu tháng 8 đến 25/9, APH giảm 28%, về 6.470 đồng/cp. Đây là vùng giá thấp nhất trong gần hai năm, cách không xa đáy lịch sử 5.550 đồng/cp lập vào tháng 11/2022.

Diễn biến APH từ khi niêm yết đến 25/9. (Biểu đồ: TradingView).

Tổ chức nào đang sở hữu An Phát Holdings?

Quay lại với động thái thoái vốn của nhóm lãnh đạo nêu trên, các giao dịch đều được thực hiện theo phương thức khớp lệnh (bán trên sàn tập trung). Điều này đồng nghĩa không sang tay (thỏa thuận) cổ phần sở hữu cho bất kỳ người nội bộ khác, bên liên quan hay tổ chức chiến lược nào.

Xem xét các báo cáo giao dịch của người nội bộ An Phát Holdings từ 2021 đến nay, chiều bán hoàn toàn áp đảo so với chiều mua. Ghi nhận khối lượng lớn nhất thuộc về Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tiện (bán khoảng 7 triệu cp, Thành viên HĐQT Đinh Xuân Cường (bán 2,5 triệu cp) và dự kiến là Chủ tịch Phạm Ánh Dương.

Vị Chủ tịch đăng ký bán hết gần 12 triệu cp từ 23/8 đến 25/9. Trong thời gian trên, cổ phiếu APH không ghi nhận giao dịch thỏa thuận. Cùng thanh khoản bình quân 2,1 triệu cp mỗi phiên, có khả năng ông Dương đã hoàn tất thoái vốn trên sàn. Riêng phiên 6/9, khi quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đơn từ nhiệm của ông Dương được công bố, APH đã giảm sàn với khối lượng 7 triệu cp.

Báo cáo quản trị bán niên 2024 cho thấy trong số người liên quan ông Dương, chỉ có em trai là ông Phạm Hoàng Việt đang sở hữu 4,3 triệu cp, tương ứng với 1,8% vốn tại cuối tháng 6.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Lê Trung nắm 5,6 triệu cp, tương ứng với 2,3% vốn; ông Nirav Sudhir Patel, Thành viên HĐQT độc lập (miễn nhiệm ngày 29/5) nắm 174.000 cp, chiếm 0,07% vốn; Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Thăng Long nắm 750 cp, tỷ trọng không đáng kể. Những người nội bộ và bên liên quan khác không sở hữu cổ  phiếu.

 (Nguồn: X.N tổng hợp).

Lật lại quá khứ, trước đây, cơ cấu cổ đông của An Phát Holdings tại thời điểm 29/11/2019 gồm có Công ty TNHH IGG USA Việt Nam, sở hữu 36,52%; Chứng khoán KB sở hữu 9,91% và bà Nguyễn Thị Tiện (một trong ba cổ đông sáng lập) sở hữu 21,02%. Trong đó phần sở hữu của KB Securities là cổ phần ưu đãi cổ tức và hoàn lại, không có quyền biểu quyết, có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Sau đó, bản cáo bạch niêm yết cho thấy tại ngày 3/7/2020, An Phát Holdings có cổ đông lớn là Công ty TNHH IGG USA Việt Nam với sở hữu 35,45% vốn. Chứng khoán KB sở hữu 9,62% vốn cổ phần ưu đãi. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của bà Nguyễn Thị Tiện giảm xuống còn 1,02%, dù không công bố thông tin bán ra cổ phiếu.

Cùng với bà Tiện, hai cổ đông sáng lập khác gồm ông Phạm Hoàng Việt và bà Nguyễn Thị Phượng.

Ông Việt thời điểm tháng 11/2019 đã chuyển nhượng 17 triệu cp cho Công ty TNHH Phát triển Yotei và 10,15 triệu cp cho Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Yamato. Sau khi chuyển nhượng, ông Việt còn sở hữu 2,85 cổ phần, chiếm 2% vốn.

Còn bà Nguyễn Thị Phượng đã chuyển nhượng 400.000 cp, tức toàn bộ vốn góp ban đầu, cho ông Phạm Ánh Dương và ông Nguyễn Lê Trung.

Đến hiện tại, doanh nghiệp chỉ ghi nhận cổ đông lớn duy nhất là IGG USA Việt Nam, với sở hữu khoảng 27% vốn.

IGG USA Việt Nam đi vào hoạt động năm 2019. Đơn vị này có trụ sở trùng với An Phát Holdings (trong cụm công nghiệp An Đồng, tỉnh Hải Dương). Đây là tổ chức đầu tư tài chính, ngoài nắm giữ sở hữu lâu dài còn có vai trò hỗ trợ An Phát Holdings mở rộng xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ.

Cái tên IGG USA Việt Nam cũng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của An Phát Holdings.

Vào tháng 4/2021, An Phát Holdings đã phát hành lô trái phiếu APH-H2124-001 trị giá 450 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào tháng 4/2024. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là cổ phiếu. Cụ thể, tài sản đảm bảo được mô tả bằng hoặc cao hơn 180% tổng giá trị trái phiếu phát hành, bao gồm 90% cổ phiếu APH, 45% cổ phiếu Nhựa An Phát Xanh (AAA) và 45% bằng cổ phiếu Nhựa Hà Nội (NHH).

Vào tháng 3/2021 ngay thời điểm phát hành lô trái phiếu trên, công ty phát sinh một giao dịch thế chấp mà bên nhận thế chấp là Chứng khoán KIS Việt Nam. Tài sản thế chấp là hơn 12,27 triệu cp APH do Công ty TNHH IGG USA Việt Nam sở hữu; hơn 13 triệu cổ phiếu AAA do An Phát Holdings sở hữu và 4,5 triệu cổ phiếu NHH cũng do An Phát Holdings sở hữu.

Trụ sở của An Phát Holdings tại cụm công nghiệp An Đồng, tỉnh Hải Dương. (Nguồn: An Phát Holdings).

Lai Phong