Cắt bánh pizza làm đôi không làm bánh to lên, nhưng tại sao cổ phiếu có thể trở lại thị giá sau chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:1?
Trong chương trình Bí mật đồng tiền, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của SSI chia sẻ liên quan đến chủ đề này. Đây là trường phái đầu tư được đánh giá là “hơi cũ”. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu và nhận tiền mặt tuy an toàn nhưng thời gian đầu tư sẽ rất dài bởi tỷ lệ trả cổ tức trên thị giá là không cao.
Theo dữ liệu thống kê được cung cấp bởi Kinh tế trưởng SSI, số tiền trả cổ tức của các công ty niêm yết trên sàn trả trong giai đoạn 2019 – 2021 khoảng 100.000 – 102.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất to nếu xét về giá trị tuyệt đối. Nhưng so với quy mô vốn hóa của thị trường, số tiền trên chỉ tương đương 1,2 – 1,3%.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt không cao nhưng lại là một tín hiệu để đánh giá một công ty tốt trên thị trường. Không phải công ty nào trên thị trường chứng khoán cũng có khả năng trả cổ tức bằng tiền mặt.
Nếu muốn đầu tư nhận cổ tức bằng tiền mặt, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ về lịch sử trả cổ tức của các công ty, xem trong lịch sử công ty có trả cổ tức không, hoặc chốt quyền nhưng có thực hiện chi trả không. Điển hình trên thị trường, Sudico (Mã: SJS) đã nợ cổ tức trong nhiều năm. Không ít nhà đầu tư không được nhận cổ tức từ giai đoạn 2016 – 2017. Dù khi trả cổ tức bằng tiền mặt, thị giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh.
Còn trong ngắn hạn, trường phái nhận cổ tức bằng cổ phiếu lại được nhà đầu tư ưa chuộng. Đây là một xu hướng mà nhiều người không thể lý giải về sự hấp dẫn.
Về lý thuyết, việc cắt một chiếc bánh pizza làm đôi không làm bánh to lên. Nhưng khi chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 (tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận thêm 1 cổ phiếu), nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu tăng thậm chí quay về mức giá cũ thời điểm trước điều chỉnh một cách rất nhanh.
Kinh tế trưởng của SSI cho biết đây là xu hướng không chỉ riêng Việt Nam mà còn xảy ra ở Mỹ. Các công ty có trị giá cao ở Mỹ sau khi chia tách giá cổ phiếu đều tăng kiểu như Google, Tesla, tất cả các cổ phiếu sau khi ra những thông tin chia tách cổ phiếu thì giá cổ phiếu đều tăng.
“Về mặt lý thuyết thì không có chuyện đấy nhưng về mặt “ngài thị trường” của chúng ta thì kể cả ở Mỹ hay ở Việt Nam đều có xu hướng khi chia tách nhỏ đi thì giá cổ phiếu có xu hướng tăng lên”, ông Phạm Lưu Hưng đưa quan điểm.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi thị trường chứng khoán tăng mạnh trong hai năm trở lại đây, câu chuyện giá cổ phiếu trở lại thị giá trước ngày điều chỉnh sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu là không hiếm.
Đơn cử như nhóm chứng khoán, nhiều mã đã tăng trở lại thị giá cao hơn thời điểm điều chỉnh khi chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra còn có nhiều nhóm khác như cảng biển, bất động sản, hóa chất. Tuy vậy, lại có trường hợp giảm rất sâu khiến cổ đông rơi vào trạng thái “ôm cổ mà tức” như câu chuyện chia cổ tức của nhóm ngân hàng.