|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

CapitaLand tính rót 110 triệu USD vào Việt Nam tìm quỹ đất đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng

06:50 | 02/07/2024
Chia sẻ
Chuyên gia từ CapitaLand Investment đánh giá miền Bắc Việt Nam sẽ là địa điểm ưa thích được các công ty sản xuất Trung Quốc dịch chuyển chuỗi cung ứng.

CapitaLand Investment, một công ty quản lý bất động sản được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore, đang lên kế hoạch đầu tư tới 110 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng hoặc mua lại các nhà máy sản xuất, đón đầu xu hướng di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, theo Nikkei Asia.

Theo bà Patricia Goh, Giám đốc điều hành phụ trách đầu tư khu vực Đông Nam Á, CapitaLand Investment - được hậu thuẫn bởi Temasek Holdings, dự kiến sẽ bổ sung thêm tài sản trị giá 100 đến 150 triệu đô la Singapore (từ 73 triệu USD đến 110 triệu USD) vào danh mục đầu tư tại Việt Nam trong hai năm tới.

Miền Bắc đang là điểm đến ưa thích để dịch chuyển chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Huy).

Ngoài Việt Nam, công ty này cũng lên kế hoạch đầu tư tương tự vào Malaysia và Thái Lan, với tham vọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tại Đông Nam Á. Khu vực Đông Nam Á đã trở thành tâm điểm quan trọng khi các công ty sản xuất tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm tránh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và tăng trưởng trì trệ.

"Nếu chúng ta nghĩ về các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc", bà Goh trầm ngâm trong một cuộc phỏng vấn, "suy nghĩ logic sẽ là ... Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc Việt Nam. Thái Lan cũng là điểm đến khá yêu thích của một số nhà đầu tư”.

Vị Giám đốc điều hành cho biết các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đang nhắm đến Việt Nam như một địa điểm sản xuất, trong khi các nhà sản xuất thiết bị điện tử, chẳng hạn như Hàn Quốc, cũng đang tìm đến Việt Nam để thiết đặt hoạt động sản xuất.

Dự đoán về sự dịch chuyển này, bà Goh cho biết công ty đang tìm kiếm quỹ đất ở Việt Nam để xây dựng các nhà máy mới hoặc tìm kiếm cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện có để đưa vào danh mục đầu tư của mình. Kế hoạch là sở hữu các cơ sở và cho các nhà sản xuất thuê lại.

"Hiện tại ở Việt Nam, chúng tôi không có quỹ đất", bà nói. "Nhưng hiện tại chúng tôi đang rất tích cực thảo luận với một số chủ sở hữu khu công nghiệp và đã xác định được quỹ đất nơi chúng tôi muốn đặt chân đến".

Bên cạnh việc tìm kiếm quỹ đất và cơ sở hạ tầng để xây dựng hoặc mua lại nhà máy, CapitaLand Investment cũng đang tiến hành các cuộc thảo luận với các nhà sản xuất Trung Quốc để thành lập các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm mục tiêu đảm bảo khách thuê tiềm năng cho các bất động sản tương lai của mình.

Theo CapitaLand Investment, họ đã có một mạng lưới lớn các khách hàng tiềm năng từ Trung Quốc. Tại Trung Quốc, nơi sở hữu và quản lý 6 khu logistics và 11 khu công nghiệp, CapitaLand Investment cho biết họ có hơn 7.000 khách thuê và khách hàng.

Kế hoạch đầu tư ra đời trong bối cảnh CapitaLand Investment đang gặp phải những thách thức ở Trung Quốc. Lợi nhuận ròng của họ giảm 79% vào năm ngoái xuống còn 181 triệu đô la Singapore, chủ yếu do giá thuê thấp hơn tại Trung Quốc.

Tính đến cuối tháng 3, CapitaLand Investment có 134 tỷ đô la Singapore tài sản đang quản lý, với Trung Quốc chiếm 34% và Đông Nam Á chiếm 41%. Bà Goh cho biết quỹ không lên kế hoạch tỷ trọng cụ thể nào cho tài sản tại Đông Nam Á trong số các tài sản nắm giữ của mình nhưng đang tập trung trong việc theo đuổi tăng trưởng ngắn hạn tại khu vực.

Bà Goh cho biết tại Malaysia, công ty dự kiến sẽ triển khai khoảng 300 triệu đô la Singapore vốn trong một đến hai năm tới cho các tài sản công nghiệp, logistics và chăm sóc sức khỏe.

Bà Goh gợi mở khả năng công ty tham gia vào một đặc khu kinh tế (SEZ) ở bang Johor phía nam mà chính phủ Malaysia và Singapore đang cùng phát triển, mặc dù bà nhấn mạnh rằng quỹ của bà vẫn đang trong giai đoạn đầu thăm dò tính khả thi.

"Khi đặc khu kinh tế mở cửa, tôi nghĩ đó là một lĩnh vực khác mà chúng tôi sẽ tập trung và xem liệu chúng tôi có thể xây dựng một khu công nghiệp khác hay không", bà nói. "Khi các chi tiết được công bố, và khi chúng tôi thấy rằng chúng tôi có thể gia tăng giá trị trong đó, thì chúng tôi sẽ tìm ra vai trò để đóng góp."

Trong khi đó, bà cho biết khoảng 350 triệu đô la Singapore có thể được triển khai ở Thái Lan trong hai năm tới, với số tiền tiềm năng được sử dụng để mua đất và xây dựng các tài sản logistics như kho bãi. "Thái Lan đã đi qua làn sóng hoạt động sản xuất”, bà Goh nói. "Hiện tại họ đang ở giai đoạn mà các kho bãi và tất cả những thứ đó sẽ cần được hiện đại hóa”.

Tháng 2, CapitaLand Investment công bố dự án bất động sản logistics đầu tiên tại Thái Lan, OMEGA 1 Bang Na, một cơ sở lưu trữ tự động với tổng diện tích sàn là 229.000 m2 gần Bangkok.

Đức Huy