|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chuyển động thị trường

Cáp treo hay cách để phát triển du lịch bền vững?

19:00 | 05/12/2023
Chia sẻ
Bên cạnh những di sản thiên nhiên và văn hóa được UNESCO công nhận, hình ảnh du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế trong thời đại mới còn gắn liền với những công trình đáng kinh ngạc như cáp treo, được truyền thông thế giới khen ngợi là cách để phát triển du lịch bền vững.

“Mưa lời khen” từ cộng đồng quốc tế

Ngày 25/10/2023, nhật báo Mỹ New York Times đăng tải bài viết với tiêu đề đầy tò mò về cáp treo tại những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam: “Nếu có thể đi cáp treo đến Đấu trường La Mã, bạn đang ở Việt Nam”. Ngay khi được đăng tải, bài viết đã đứng vị trí đầu tiên trong mục Du lịch và xuất hiện trên trang chủ của tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ, thu hút độc giả từ khắp nơi trên thế giới.

Cảnh biển thơ mộng của nam đảo Phú Quốc nhìn từ cáp treo Hòn Thơm.

Những gì mà tác giả Patrick Scott mô tả về cáp treo Việt Nam trong bài viết trên New York Times đầy rực rỡ và ấn tượng. Trên khắp mọi miền đất nước, đó là 6 công viên Sun World có cáp treo, thu về 9 kỷ lục Guinness thế giới.

Tại đảo ngọc Phú Quốc, tuyến cáp treo băng qua 8 km biển để ngắm đại dương “trong vắt như pha lê” từ trên cao. Tại miền Tây Bắc, đó là tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương, băng qua những biển mây dày và trắng xóa. Và không thể không kể đến tuyến cáp treo lên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng)- dấu mốc đầu tiên của Tập đoàn Sun Group tại Việt Nam, biến trạm nghỉ dưỡng xưa kia của người Pháp thành Sun World Ba Na Hills – tổ hợp công viên giải trí theo phong cách châu Âu, có Cầu Vàng- một hiện tượng truyền thông của thế giới, một biểu tượng của du lịch Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên báo chí quốc tế ấn tượng với các hệ thống cáp treo tại Việt Nam. Ví dụ điển hình nhất là cáp treo Hòn Thơm, liên tục được truyền thông thế giới quan tâm trong thời gian gần đây, cùng nhận định chung là trải nghiệm bắt buộc phải thử khi tới Phú Quốc. 

Tháng 10/2023, hãng thông tấn Yonhap gọi cáp treo Hòn Thơm là “trải nghiệm độc đáo, khi được ngắm nhìn phong cảnh Địa Trung Hải ở một đất nước nhiệt đới”. “Kinh thánh của giới xê dịch” Lonely Planet trong bài đăng của mình vào đầu tháng 11 thì nhận định trải nghiệm cáp treo Hòn Thơm có mức giá hợp lý, và du khách được ngắm toàn cảnh biển Phú Quốc từ trên cao vô cùng đẹp mắt.

Cáp treo lên đỉnh Bà Nà được tạp chí danh tiếng Travel + Leisure ngợi ca là một trải nghiệm tuyệt vời.

Travel+Leisure hồi cuối tháng 7 vừa qua gợi ý cáp treo lên đỉnh Bà Nà là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất ở Đà Nẵng. Trong khi đó, tạp chí Escape của Úc cũng cho rằng việc lên khu du lịch Sun World Ba Na Hills ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển khiến “Đà Nẵng thú vị hơn với mọi du khách”.

Cáp treo cũng trở thành một “thỏi nam châm” hút khách tới Việt Nam do hợp với nhu cầu của du khách hiện đại. Ông Yong Sun Ok- Trưởng phòng khu vực Đông Nam Á của công ty du lịch top đầu Hàn Quốc Hanatour nhận định, một trong những lý do Việt Nam hút khách Hàn Quốc là do có thể tiếp cận những ngọn núi bằng cáp treo. “Bản thân tôi thích đi cáp treo. Tôi nghĩ điều hấp dẫn nhất là có thể ngắm cảnh từ trên cao”, ông cho biết.

Một trong những đòn bẩy phát triển kinh tế du lịch 

Cáp treo không chỉ là một phương tiện chở khách, mà còn là biểu tượng cho sức sáng tạo của người làm du lịch Việt Nam. Nếu thiên nhiên nước ta được ban phú cho vẻ đẹp và sức hấp dẫn không thể chối cãi, thì cáp treo chính là phương tiện để tiếp cận chúng một cách vẹn toàn nhất.

Tuy nhiên, chỉ những giá trị như vậy thì không thể khiến truyền thông quốc tế phải dành nhiều “giấy mực” cho hệ thống cáp treo đến thế. 

Những nhận định tích cực cùng những lời tán dương liên tục từ các tờ báo quốc tế hàng đầu đã cho thấy sức ảnh hưởng của cáp treo tới hình ảnh ngành du lịch Việt Nam với thế giới. Hệ thống cáp treo là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của hạ tầng du lịch Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy nền kinh tế địa phương trong vài năm trở lại đây, như cách New York Times nhận định: “Việt Nam là nơi có 4 tuyến cáp treo dài nhất thế giới, đều được xây dựng trong thập kỷ qua, cho thấy biến chuyển ngoạn mục của nền kinh tế và ngành du lịch nước này.

Cáp treo lên đỉnh Fansipan băng qua thung lũng Mường Hoa vào “mùa vàng”.

Cáp treo được đánh giá là cách để phát triển du lịch một cách bền vững, mang đến “bộ mặt mới” cho các điểm đến mà nó xuất hiện, cải thiện đời sống của người dân bản địa, đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Theo ghi nhận của bài báo trên New York Times, với chính quyền Sa Pa, địa phương chỉ đón 65.000 khách du lịch vào năm 2010, trước khi đường cao tốc từ Hà Nội được xây dựng vào năm 2014 và cáp treo được khánh thành vào năm 2016. Đến năm 2019, lượng du khách đã tăng vọt lên 3,3 triệu và đạt 2,5 triệu vào năm ngoái trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid.

Cáp treo Fansipan cùng với hệ sinh thái du lịch hấp dẫn gồm Sun World Fansipan Legend và khách sạn Hotel de la Coupole – MGallery Sa Pa là cú hích góp phần giúp GRDP đầu người của Sa Pa đã tăng từ hơn 40 triệu đồng/người lên hơn 80 triệu đồng/người, chỉ trong vòng 5 năm.

Cáp treo chở du khách “xuyên qua” những đám mây để tới đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng). Ảnh: Phạm Phùng.

Hay tại Đà Nẵng, cùng với những công trình biểu tượng, chuỗi sự kiện quy mô, kể từ khi ra đời, cáp treo và Sun World Ba Na Hills đã trở thành động lực quan trọng tạo nên con số tăng trưởng ấn tượng. Theo thống kê, từ năm 2009 đến 2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng 463%, du khách đến Bà Nà tăng hơn 160 lần. Năm 2019 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch thành phố, thể hiện qua con số 8,6 triệu lượt du khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt, mang về tổng thu ước đạt 30.973 tỷ đồng.

“Sợi dây nối những ước mơ”

Không chỉ có lợi ích kinh tế nhìn ra được rõ ràng cho cộng đồng người dân bản địa tại các điểm đến, với các du khách bình thường, cáp treo cũng được xem như “sợi dây nối những ước mơ”. 

Du khách mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người yếu thế, giờ đây có thể “chinh phục” những kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam một cách thật dễ dàng. Ví dụ, nói người già bây giờ cũng leo được lên đỉnh Fansipan, nghe cứ như chuyện hoang đường. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, thi sĩ của Trường Sơn hùng vĩ từng so sánh: “Tuổi trẻ vượt biển còn dễ hơn cụ già xuống ao/Ta leo núi chẳng chồn chân mà cụ già thăm vườn mỏi gối”.

Cuối năm 2022, câu chuyện của cụ bà Bùi Thị Dung (Hải Phòng) “bùng nổ” các trang báo, mạng xã hội. Bước sang tuổi 95, cụ bà là người “vui nhất” vì lần đầu lên đỉnh Fansipan mà được ngắm cảnh tuyết rơi. Nếu không có cáp treo, niềm vui ấy cũng thật khó để cụ bà “chinh phục” khi đã bước sang độ tuổi “gần đất xa trời”.

Cáp treo lên đỉnh Fansipan, băng qua “ruộng bậc thang” hoa dơn lúa đang khoe sắc.

Dưới góc nhìn của báo chí quốc tế, New York Times cũng nhận định cáp treo có ý nghĩa đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tầng lớp trung lưu của đất nước là những đối tượng không dễ dàng có khả năng chi trả cho một chuyến đi đến Rome (Italy), hay Paris (Pháp), nhưng có thể dễ dàng mua vé cáp treo có giá từ 25 đến 45 USD để đến những điểm đến lấy cảm hứng Châu Âu như Bà Nà Hills hay Phú Quốc.

Định vị Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới

Trong một lộ trình phát triển du lịch bền vững, cáp treo đặt nền móng đầu tiên để phát triển hạ tầng du lịch, để theo sau đó “dẫn bước chân” du khách tới những sản phẩm du lịch hấp dẫn, được ví như “kỳ quan nhân tạo”. Ví dụ thành công nhất có thể kể đến Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng). 

Ngay từ khi được thành hình giữa lưng chừng núi Chúa, Cầu Vàng đã vượt qua sứ mệnh của một cây cầu dẫn lối du khách đến với miền tiên cảnh, để trở thành biểu tượng mới của ngành du lịch Việt. Giờ đây, khi tới những cửa hàng bán đồ lưu niệm, du khách dễ dàng nhìn thấy hình ảnh Cầu Vàng “bao phủ” khắp mọi nơi. 

Mới đây, bài viết của Bored Panda nhận định hình ảnh của Đà Nẵng hiện nay “đồng nghĩa” với Cầu Vàng trong mắt khách quốc tế: “Không quá lời khi nói rằng Cầu Vàng đã đưa Đà Nẵng lên bản đồ du lịch của hàng trăm triệu du khách trên khắp châu Á và hơn thế nữa”.

Hay tại Phú Quốc, Thị trấn Hoàng Hôn – Sunset Town là một biểu tượng mỗi khi truyền thông quốc tế nhắc tới đảo Ngọc. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc nhận định Sunset Town là “trải nghiệm độc đáo khi được ngắm nhìn phong cảnh Địa Trung Hải ở một đất nước nhiệt đới”, còn trang Traveller của Úc lại cho rằng “Du khách sẽ thích thú khi khám phá từng ngóc ngách thị trấn mang vẻ đẹp Italy này”.

Có thể thấy, khi nhắc tới hình ảnh Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, truyền thông quốc tế không còn chỉ nhắc đến các kỳ quan thiên nhiên như vịnh Hạ Long hay hang Sơn Đoòng, mà còn nhắc tới những sản phẩm du lịch hấp dẫn do con người tự tạo nên. Hình ảnh Việt Nam giờ đây đã gắn liền với sức sáng tạo phi thường của người làm du lịch, với những kỷ lục đã được thế giới ghi nhận, như cáp treo. 

Bích Thu