|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cấp bộ, tỉnh sẽ được ban hành điều kiện kinh doanh?

16:21 | 08/08/2019
Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung thẩm quyền ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, nếu được giao trong luật…
XK-gao

Nhiều điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ trong thời gian qua, như trong ngành xuất khẩu gạo.

Đây là một trong dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Không ít thay đổi trong các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh được đưa ra trong dự thảo này.

Theo quy định hiện hành, điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi đề xuất sửa đổi thành "Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trừ trường hợp được giao trong luật."

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi này để bổ sung thẩm quyền ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nếu được giao trong luật nhằm thống nhất với quy định tại Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo cũng đề xuất bãi bỏ 14 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 12 ngành, nghề và bổ sung 5 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.

Dự thảo cũng nêu rõ, điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau: a) Giấy phép; b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện; c) Chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; d) Văn bản xác nhận; d) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản."

Đồng thời, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung sau: a) Đối tượng và phạm vi áp dụng; b) Hình thức áp dụng của điều kiện đầu tư kinh doanh; c) Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh; d) Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có); đ) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và quản lý nhà nước đối với điều kiện đầu tư kinh doanh; e) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc các chấp thuận khác (nếu có).

Theo dự thảo, ngoài những nội dung theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh phải phân tích sự cần thiết, mục đích, nội dung của việc sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời, phải đánh giá tính hợp lý, khả thi của việc sửa đổi, bổ sung và sự phù hợp với điều ước quốc tế về đầu tư; đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung với công tác quản lý nhà nước và hoạt động đầu tư kinh doanh của các đối tượng phải tuân thủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, việc bổ sung các nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện

Bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm: Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. Ngoài Danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và các luật, pháp lệnh, Điều ước quốc tế về đầu tư, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Dự thảo Luật bổ sụng quy định về ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài, gồm: (i) các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư; (ii) ngành nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu và ngành, nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài theo các điều ước quốc tế về đầu tư. Bổ sung quy định về ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, gồm các ngành: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, khoa học và công nghệ, báo chí, phát thanh, truyền hình, kinh doanh bất động sản.

Bổ sung quy định về thủ tục lấy ý kiến Bộ Ngoại giao đối với dự án đầu tư tại các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có chiến tranh, nội chiến, bất ổn về chính trị; quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa thiết lập quan hệ ngoại giao; quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa ký kết các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Hà Chính