|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vẫn còn nhiều dư địa để cắt giảm điều kiện kinh doanh

15:14 | 06/08/2019
Chia sẻ
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đang có sự khác biệt về cách tính toán số lượng điều kiện kinh doanh giữa các Bộ, ngành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa để các Bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần cải cách thực chất hơn nữa về điều kiện kinh doanh.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan về Báo cáo đánh giá điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT). 

Theo đó, về Báo cáo đánh giá mức độ thay đổi về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cho ý kiến bằng văn bản đối với nội dung báo cáo của Bộ KH&ĐT.

Trước đó, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với doanh nghiệp.

Theo đó, qua nghiên cứu rà soát và làm việc trực tiếp với một số Bộ, ngành cho thấy có sự khác biệt về cách tính toán số lượng điều kiện kinh doanh. 

Một số ít Bộ có thể rà soát ở cấp độ điều kiện kinh doanh chung (trong đó có thể gồm nhiều điều kiện kinh doanh nhỏ), một số Bộ khác tính đến điều kiện kinh doanh con (ở cấp độ nhỏ hơn) trong khi có Bộ tính đến điều kiện kinh doanh cháu (ở cấp độ nhỏ hơn nữa). 

Vì thế, có sự không thống nhất giữa các Bộ, ngành trong tính toán số lượng điều kiện kinh doanh.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã thực hiện rà soát độc lập về điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành, theo đó, trung bình, tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt 32%. 

Trong đó, 2 Bộ đạt vượt mức yêu cầu, gồm: Nông nghiệp phát triển nông thôn (73%); Y tế (55%). 2 Bộ về cơ bản đạt yêu cầu, gồm: Công Thương (47%); Xây dựng (44%). 03 Bộ có kết quả bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt từ 31-40%, gồm: Lao động - Thương binh và Xã hội (40%); Tài nguyên và Môi trường (38%); Giao thông vận tải (36%).

5 Bộ đạt kết quả từ 11-30%, gồm: Khoa học và Công nghệ (26%); Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tài chính (cùng đạt 20%); Giáo dục và Đào tạo (18%); Thông tin và Truyền thông (14%). Các lĩnh vực đạt kết quả dưới 10%, gồm Tư pháp (6%) và an ninh - quốc phòng (4%).

Đáng chú ý là phương pháp kiểm đếm của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tính tới "điều kiện kinh doanh con – cấp độ cành", chứ chưa bao quát được đến hết tới "điều kiện kinh doanh cháu, chắt… - cấp độ lá". Vì vậy, kết quả đánh giá độc lập của Viện có thể có sự khác biệt so với kết quả báo cáo của các Bộ.

Tuy nhiên, kết quả nêu trên cũng cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để các Bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về điều kiện kinh doanh. 

Trong thời gian tới, từng Bộ, ngành cần nghiên cứu, rà soát, phân tích chi tiết các nội dung quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh; từ đó nhận diện các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không đạt hiệu quả quản lý để tiếp tục kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cho biết, qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các Sở, ngành ở địa phương đều lúng túng, không biết thông tin khi được hỏi về những cảỉ cách điều kiện kinh doanh. Kết quả khảo sát PCI 2018 của VCCI cho thấy điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp.

"Do đó, các Bộ, ngành cần ưu tiên thực hiện ngay các hoạt động hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực thi để đảm bảo các cải cách về điều kiện kinh doanh được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi tích cực", Bộ KH&ĐT nhận định.

Thu Hà