|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cao tốc hiện đại nhất Việt Nam 'gánh' 800 tỉ đồng nợ phát sinh

17:50 | 28/05/2019
Chia sẻ
Để triển khai được Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì Nhà nước phải bàn giao mặt bằng sạch, nhưng do chưa có vốn nên Vidifi “ứng” trước hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 10 năm, dự án trọng điểm quốc gia này vẫn chưa được hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng, riêng nợ phát sinh lên tới 800 tỷ đồng.

Năm 2007, quốc lộ 5 quá tải nghiêm trọng, Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - một định chế tài chính phát triển của Nhà nước, huy động vốn để cho vay và triển khai Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cơ chế thí điểm. Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) làm chủ đầu tư dự án.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án giao thông trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Theo Nghị định 71, Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng (GPMB) để nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng do chưa có vốn nên hơn 4.000 tỷ đồng tiền GPMB đã được Vidifi “ứng” trước, Nhà nước cam kết hỗ trợ một số chính sách đặc thù cho dự án.

Cao tốc hiện đại nhất Việt Nam gánh 800 tỉ đồng nợ phát sinh - Ảnh 1.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào khai thác cuối năm 2015

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong đó khẳng định: Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường GPMB, tái định cư của Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Chính phủ nhận định, việc thanh toán nợ GPMB thuộc nghĩa vụ của ngân sách Nhà nước, đặc biệt là đối với một số dự án cấp bách, vì vậy tại Tờ trình số 210/TTr-CP ngày 19/5/2019, Chính phủ trình Quốc hội “cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn các dự án quan trọng quốc gia để thanh toán nợ tiền đền bù, GPMB Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ GTVT”. Tuy nhiên, Quốc hội đang cân nhắc với ưu tiên phân bổ ngân sách cho các dự án chống biến đổi khí hậu tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Sau 3 năm đưa vào vận hành khai thác, tuyến đường được cho là hiện đại nhất Việt Nam đã giải quyết được vấn đề giao thông nan giải ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, trở thành huyết mạch kết nối liên thông vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, hơn 4.000 tỷ đồng tiền GPMB của chủ đầu tư vẫn chưa được hoàn trả.

Trên thực tế, Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được 6 định chế tài chính và ngân hàng quốc tế cho vay vốn. Khi vay vốn nước ngoài, phương án tài chính được duyệt đã được gửi đi với các cam kết về thời gian hoàn vốn, lộ trình thực hiện các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án…

Vidifi cho biết, do phải vay với lãi suất 10%/năm cho các khoản vay chưa được cấp nên tính đến cuối năm 2018 chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của nhà nước chưa được thực hiện đã lên tới hơn 800 tỷ đồng. Nếu tiếp tục chậm sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản, không tái cơ cấu được Dự án.

Với thiết kế 6 làn xe, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khai thác vận tốc độ tối đa 120 km/giờ. Trên tuyến được trang bị hệ thống camera dày đặc để theo dõi toàn bộ hoạt động phương tiện và có phương án cứu trợ khi bị tai nạn. Tuyến cao tốc giúp giảm thời gian chạy xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ còn 1-1,5 giờ so với 2,5 giờ trước đây.

Với thiết kế 6 làn xe, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khai thác vận tốc độ tối đa 120 km/giờ. Trên tuyến được trang bị hệ thống camera dày đặc để theo dõi toàn bộ hoạt động phương tiện và có phương án cứu trợ khi bị tai nạn. Tuyến cao tốc giúp giảm thời gian chạy xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ còn 1-1,5 giờ so với 2,5 giờ trước đây.

Châu Như Quỳnh