|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn sẽ về đích đúng tiến độ

12:00 | 03/07/2022
Chia sẻ
Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn đạt sản lượng gần 90%. Hiện, các đơn vị đang chạy "nước rút" để dự án có thể hoàn thành vào cuối tháng 9/2022 theo kế hoạch.

Đoạn tuyến 4 làn xe tại gói thầu XL07 đã thảm xong bê tông nhựa, đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng. (Ảnh: Bộ GTVT).

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), sản lượng dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn đến ngày 30/6 đạt 89,04%, chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch. 

Nguyên nhân chậm được cơ quan này chỉ ra chủ yếu do thời tiết trong khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mưa nhiều trong những tháng đầu năm cùng với đó là biến động về giá vật liệu xây dựng.

Nền đường và các cầu lớn cơ bản hoàn thành

Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh cho biết, tại đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, các gói thầu XL10, XL11 đã cơ bản hoàn thành công tác nền mặt đường. Gói thầu XL07 phần lớn đã thảm xong bê tông nhựa mặt đường và các nhà thầu đang tập trung thi công đoạn còn lại.

 

Gói thầu XL05, XL06 những tháng đầu năm 2022 thiếu vật liệu đất đắp ảnh hưởng chung toàn dự án. Sau khi Bộ GTVT và địa phương vào cuộc xử lý vấn đề vật liệu đến nay công tác nền đường đã có bứt phá “ngoạn mục”.

Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng dự án 2, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (phụ trách các gói thầu XL05, XL06, XL07) cho hay, hiện nguồn vật liệu và mặt bằng không còn vướng mắc gì, đơn vị đang chỉ đạo các nhà thầu tăng ca để bảo đảm tiến độ chung của toàn dự án. Việc thi công vào ban đêm cũng được Ban QLDA tính toán tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khu vực xung quanh. 

Không chỉ công tác nền mặt đường, cầu số 4 dài khoảng 800 m với 20 nhịp dầm Super T (thuộc gói thầu XL08), là cây cầu dài nhất trên toàn tuyến dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn đã hoàn thành. Hệ thống thoát nước dọc, hàng rào dọc tuyến cũng đang gấp rút được triển khai.

Hàng loạt cầu lớn trên tuyến như Thạch Hãn, Sông Bồ, Tuần... đã hoàn thành và đang trong quá trình hoàn thiện hạng mục còn lại.

Nhà thầu thi công xuyên trưa trên công trường. (Ảnh: Ban QLDA đường Hồ Chí Minh).

 

Thời tiết thuận lợi, tăng tốc thi công

Ông Lê Văn Sáu, Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chia sẻ, dự kiến ban đầu, khoảng cuối tháng 1/2022 trên địa bàn Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sẽ kết thúc mùa mưa, nhà thầu có thể triển khai thi công các hạng mục như đắp nền K95, K98 và thảm bê tông nhựa mặt đường… nhưng thực tế phải đến ngày 9/3 thời tiết mới cơ bản hết mưa. Đặc biệt thời gian từ 29/3 đến 6/4 khu vực có đợt mưa lũ lớn, trong tuần mưa từ 4-5 ngày, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công.

Do đó, ngay khi thời tiết thuận lợi, các nhà thầu tăng cường huy động thiết bị, nhân lực, làm tăng ca để bù khối lượng. Dự kiến tổng thể dự án có thể hoàn thành vào ngày 30/9.

Trước đó, trực tiếp kiểm đếm tiến độ trên toàn tuyến dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ GTVT  Lê Đình Thọ đánh giá cao các đơn vị triển khai dự án đã có nhiều nỗ lực, công tác tổ chức triển khai trên công trường rất tích cực. 

Tuy nhiên, thời gian còn lại để hoàn thành dự án không còn nhiều. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA và các đơn vị, nhà thầu phải tập trung nỗ lực, kế hoạch, công tác tổ chức thi công khoa học, hợp lý, tất cả các gói thầu đều tăng tốc với mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối tháng 9/2022.

Dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn là một trong những dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 có chiều dài tuyến 98,3 km (tỉnh Quảng Trị 37,3 km; tỉnh Thừa Thiên Huế 61 km). Dự án khởi công ngày 16/9/2019, được chia làm 11 gói thầu xây lắp.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, khi tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn hoàn thành sẽ kết nối với đoạn tuyến cao tốc La Sơn-Túy Loan, gắn kết với tuyến cao tốc Đà Nẵng–Quảng Ngãi, hình thành hệ thống cao tốc dài hàng trăm km ở khu vực miền Trung. Qua đó, tạo tiền đề phát triển liên kết vùng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa và đánh thức tiềm năng phát triển của các tỉnh, thành phố mà tuyến cao tốc đi qua.

Phan Trang