|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cao su Sao Vàng lấn sân kinh doanh thép và sản xuất điện mặt trời

22:00 | 01/06/2021
Chia sẻ
Việc lấn sân qua lĩnh vực bán buôn sắt, thép và điện mặt trời của Cao su Sao Vàng được đặt trong bối cảnh thị trường thép đang tăng nóng thời gian qua và nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư điện mặt trời vài năm trở lại đây.

Ngày 29/5, Cao su Sao Vàng đã công bố thông tin bổ sung thêm ba ngành nghề kinh doanh gồm bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; bán buôn sắt, thép và sản xuất điện mặt trời. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty vẫn giữ nguyên sản xuất sản phẩm cao su, mà cụ thể là săm lốp.

Việc lấn sân qua lĩnh vực bán buôn sắt, thép và điện mặt trời của Cao su Sao Vàng được đặt trong bối cảnh hai ngành này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ thị trường.

Theo nhận định của ban lãnh đạo CTCP Cao su Sao Vàng (Mã: SRC), rủi ro của công ty trong năm nay đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục xu hướng tăng và duy trì ở mức giá cao so với năm 2020. Chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán chưa thể tăng lên tương ứng.

Đồng thời, tiêu thụ sản phẩm của Cao su Sao Vàng chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt, bao gồm từ cả các nhà sản xuất trong nước như Cao su Miền Nam (Casumina, Mã: CSM), Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC), ... cũng như nước ngoài. Lốp ô tô radial cỡ lớn và cả cỡ nhỏ nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan có giá rất rẻ, các hãng sản xuất trong nước liên tục giảm giá để cạnh tranh.

Với thép, thị trường này đang ở trong "cơn điên" tăng giá.

Đầu tháng 5, giá thép thế giới tăng mạnh và phá vỡ nhiều kỷ lục ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ,... Biến động giá thép tăng nóng trên thế giới đã làm tăng khả năng của sự xuất hiện một siêu chu kỳ tăng giá mới của các hàng hoá nói chung.

Ở thị trường trong nước, từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước tăng chóng mặt, từ 40 - 50% so với năm ngoái và chưa có dấu hiệu dừng lại khi giá nguyên liệu đầu vào từ việc nhập khẩu vẫn ở mức cao. Nhiều bộ, ban, ngành đã đưa ra loạt giải pháp để kìm giá thép.

Bộ Công Thương dự báo năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép năm nay sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2 - 3%, dự tính khoảng 27 triệu tấn.

Mặt khác, với thị trường điện mặt trời, cơ chế khuyến khích của nhà nước đã mang lại hiệu quả và sự phát triển bùng nổ đối với ngành năng lượng tái tạo này.

Theo tổ chức BloombergNEF, Việt Nam hiện đang xếp thứ 7 thế giới về công suất điện mặt trời. Trong năm 2020, chỉ hai nước Mỹ và Trung Quốc vượt Việt Nam về công suất lắp đặt mới.

Bloomberg cho rằng, thành công của điện mặt trời ở Việt Nam được thúc đẩy bởi các tổ chức quốc tế. Các ngân hàng nước ngoài đã bắt đầu hạn chế tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch nên các công ty nhiệt điện than tại Việt Nam không có đủ nguồn vốn để xây dựng nhà máy mới.

Hơn nữa, giá tấm pin mặt trời có giai đoạn giảm mạnh, nhờ đó điện mặt trời trở thành một giải pháp năng lượng thay thế rẻ tiền và tiện lợi hơn so với các nhiên liệu hóa thạch như than đá.

Ông Logan Knox, Giám đốc phụ trách hoạt động tại Việt Nam của công ty năng lượng tái tạo UPC Renewables, bình luận: "Tôi chưa từng thấy ở đâu có xu thế điện mặt trời bùng nổ như ở Việt Nam. Không thể tin được!".

Minh Hằng