|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Căng thẳng trên Biển Đông ảnh hưởng lợi ích của tất cả các nước ASEAN

09:15 | 20/08/2019
Chia sẻ
"Phản ứng của Việt Nam trong sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam là đúng mức, nghiêm túc, đủ mức độ cứng rắn và không có thái độ kích động"

Sau khi rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 7/8, tàu Hải Dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc ngày 13/8 đã quay trở lại xâm phạm nghiêm trọng vùng biển Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng này, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an về tình hình Biển Đông và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Căng thẳng trên Biển Đông ảnh hưởng lợi ích của tất cả các nước ASEAN - Ảnh 1.

PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an .

PV: Với những hành động đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống trở lại khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế ở mức độ nào, thưa ông?

PGS.TS Lê Văn Cương: Công ước Luật Biển năm 1982 quy định, trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước, khi nước ngoài muốn thăm dò, khai thác hay đánh cá thì phải xin phép nước sở tại. Nếu không được sự đồng ý của nước sở tại thì hành vi ấy là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước có vùng đặc quyền kinh tế.

Trong trường hợp này, hành động của Trung Quốc kéo tàu Hải Dương 8 đến thăm dò ở Bãi Tư Chính của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật Biển năm 1982.

Hành động này của Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố về quy tắc ứng xử (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN tại Campuchia.

Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có 10 lần cam kết công khai với các lãnh đạo Việt Nam và các nước ASEAN rằng, Trung Quốc luôn thể hiện trách nhiệm duy trì hòa bình ổn định khu vực ở Biển Đông.

Riêng Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc công bố hôm 24/7 vừa rồi, Trung Quốc tuyên bố không bao giờ hành động xâm lấn chủ quyền nước khác. Như vậy là hành động của Trung Quốc đưa tàu đến thăm dò tại Bãi Tư Chính của Việt Nam thực chất là đi ngược lại toàn bộ luật pháp quốc tế, đi ngược lại những điều Trung Quốc đã cam kết với thế giới và Việt Nam. 

Vì thế, hành động này của Trung Quốc làm cho uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế bị suy giảm nghiêm trọng.

PV: Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của Việt Nam trước các hành vi của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam?

PGS.TS Lê Văn Cương: Việt Nam đã có những phản ứng nghiêm túc và tích cực. Về mặt ngoại giao, Việt Nam đã 2 lần tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng, Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc.

Tôi cho như vậy là rõ ràng, thể hiện quan điểm của Chính phủ Việt Nam. Và về phía nhà nước cũng đã có công hàm gửi cho người đồng cấp Trung Quốc phản đối về hành động đưa tàu Hải Dương 8 đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Dư luận quốc tế cho rằng, phản ứng của Việt Nam trong sự kiện này là đúng mức, nghiêm túc, đủ mức độ cứng rắn và không có thái độ kích động.

PV: Hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính không chỉ là sự xâm phạm thô bạo chủ quyền của Việt Nam mà còn làm ảnh hưởng tới an ninh, ổn định chung tại khu vực. Trong bối cảnh này, ASEAN cần thể hiện vai trò như thế nào nhằm giữ vững hòa bình, ổn định tại khu vực, thưa ông?

PGS.TS Lê Văn Cương: Tranh chấp Biển Đông về mặt chủ quyền và lợi ích thì chỉ liên quan đến Trung Quốc – Việt Nam, Trung Quốc – Philippines, Trung Quốc – Malaysia, Trung Quốc – Brunei thôi. Song, những biến động trên Biển Đông tác động trực tiếp đến lợi ích của 10 nước ASEAN.

Những quốc gia không có tranh chấp với Trung Quốc cũng có lợi ích ở đây, bởi vì Biển Đông là con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới. 35% hàng hóa thương mại toàn cầu, với trị giá 5000 tỷ USD đi qua Biển Đông.

Những quốc gia trong ASEAN không có tranh chấp với Trung Quốc chắc chắn cũng sử dụng con đường giao thông này với Nhật Bản, với Châu Âu, với Trung Đông- Châu Phi.

Xét về mặt lợi ích, những vấn đề diễn ra ở Biển Đông đều tác động trực tiếp đến lợi ích của tất cả 10 nước ASEAN, chứ không chỉ có 5 nước trực tiếp với Trung Quốc. Vì vậy, tôi cho rằng, thái độ đúng mức nhất của ASEAN là phải đoàn kết.

Hàng chục lần Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, của Philippines và các nước khác. Điều này đòi hỏi ASEAN phải có nhận thức thống nhất, tiếng nói thống nhất. Chỉ như vậy mới có điều kiện ngăn chặn những hành động tiếp theo của Trung Quốc.

Đừng nghĩ rằng quốc gia này không tranh chấp ở Biển Đông thì đứng ngoài cuộc. Nên nhớ rằng, cháy nhà bên cạnh, nếu mình không tham gia chữa cháy thì đến nhà mình cũng bị cháy. Hơn nữa, ASEAN cần có tiếng nói thống nhất trong vấn đề Biển Đông để tạo ra vị thế là trung tâm kết nối quyền lực toàn cầu trong bối cảnh hiện nay.

Cấu trúc quyền lực chính trị toàn cầu hiện nay đặt lên vai 10 nước ASEAN một vị trí trung tâm kết nối quyền lực Đông- Tây, Nam- Bắc. Nhưng ASEAN chỉ thực hiện được vai trò này khi đoàn kết với nhau, cùng thể hiện thái độ tích cực để thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, phản đối tất cả các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của nước khác. 

Đấy là con đường duy nhất mà ASEAN cần lựa chọn để nâng cao vị thế, vai trò của mình ở khu vực này và đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các nước ASEAN trước những tranh chấp, biến động ở Biển Đông.

PV: Xin cảm ơn ông.

Thu Hà