|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Căng thẳng Nga-Ukraine 'phủ mây đen' lên kinh tế Ấn Độ

22:45 | 20/03/2022
Chia sẻ
Sự gia tăng chi phí hàng hóa quốc tế do căng thẳng Nga-Ukraine đang tạo ra sức ép đối với Ấn Độ, quốc gia hiện nỗ lực khôi phục nền kinh tế sau hai đợt bùng phát đại dịch COVID-19.
Căng thẳng Nga-Ukraine 'phủ mây đen' lên kinh tế Ấn Độ - Ảnh 1.

Đường phố Ấn Độ. (Ảnh: Raconteur).

Chính sách đóng cửa nghiêm ngặt tại Ấn Độ trong giai đoạn đại dịch "hoàn hành" đã khiến tốc độ tăng trưởng của quốc gia Nam Á này đi xuống. Theo số liệu chính thức, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ trong tài khóa 2021-2022 (kết thúc vào cuối tháng Ba) đạt 8,9% sau khi giảm 6,6% trong tài khóa trước. 

Mặc dù con số trên sẽ là một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn, nhưng vẫn thấp hơn dự báo tăng 9,2% mà chính phủ dự kiến.

Giá thực phẩm tăng vọt

Khi Ukraine và Nga, hai nhà cung cấp nông sản lớn, bị cuốn vào căng thẳng địa chính trị, giá dầu ăn có thể sẽ tăng vọt tại Ấn Độ trong thời gian tới. Các chuyên gia về nông sản và các nhà giao dịch hàng hóa kỳ hạn đang tăng cường tích trữ trên khắp cả nước.

Hiện Nga và Ukraine cung cấp 90% dầu hướng dương của Ấn Độ. Kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ từ Ukraine đứng ở mức 2,6 tỷ USD trong năm 2021, trong đó 1,85 tỷ USD được chi cho dầu thực vật, chủ yếu là dầu hướng dương. Với căng thẳng leo thang, các nhà giao dịch và chuyên gia dự báo giá sẽ tăng.

Indra Shekhar Singh, một nhà phân tích chính sách nông nghiệp độc lập, cho biết các công ty vận chuyển đang tính phí cao hơn cho các chuyến hàng từ Biển Đen và điều này sẽ có tác động trực tiếp đến giá dầu ăn, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu ăn tại Ấn Độ đang ngày càng tăng.

Một mối đe dọa lớn khác đối với giá lương thực đến từ tình trạng thiếu phân bón hóa học. Nga là nhà sản xuất kali lớn thứ hai. Đây là nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất Di-amoni photphat (DAP), sản phẩm rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Nếu không có DAP, cây trồng có thể không nảy mầm và kém năng suất. Các báo cáo cho biết giá DAP đã bắt đầu tăng và chi phí phân đạm cũng tăng theo.

Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, giá sẽ tăng hơn nữa và gia tăng chi phí đầu vào của nông nghiệp. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's gần đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm nay từ 9,5% xuống 9,1%, cho rằng giá nhiên liệu và phân bón nhập khẩu cao có thể hạn chế chi tiêu vốn của chính phủ.

Gánh nặng lên đà phục hồi

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang tại Đông Âu, giá dầu đã chạm ngưỡng 100 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2014. Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới với mức tiêu thụ lên tới 5,5 triệu thùng/ngày.

Nguồn thu từ thuế của Ấn Độ cũng phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, chiếm hơn 50% thuế tiêu thụ đặc biệt liên bang - loại thuế thu được từ hàng hóa được sản xuất trong nước.

Các chuyên gia lưu ý rằng không có quốc gia nào khác trong số các nền kinh tế lớn mới nổi dễ bị ảnh hưởng bởi đà tăng của giá dầu hơn Ấn Độ, và nhiên liệu tăng đồng nghĩa với việc tất cả các mặt hàng hàng ngày sẽ tăng giá.

Narendra Taneja, một chuyên gia năng lượng nhận định các biện pháp trừng phạt đối với dầu khí sẽ ngăn cản đà phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó, các nền kinh tế mới nổi và các nước nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tình trạng nghèo đói về năng lượng cùng với lạm phát sẽ gia tăng sẽ đè nặng lên cuộc sống của hàng triệu người.

Giá nhiên liệu tăng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ và làm chậm quá trình phục hồi. Jimeet Modi, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Samco Ventures, gần đây cho biết mặc dù Ấn Độ được trang bị tốt, quốc gia Nam Á này chắc chắn không tránh khỏi những tác động tiêu cực.

Theo ông Modi, khi phần lớn dân số phải chiến đấu với thu nhập trì trệ hoặc giảm trong khi chi phí sinh hoạt tăng cao, nhu cầu tư nhân sẽ giảm. Tình trạng này kết hợp cùng với tỷ lệ lạm phát cao kéo dài, có thể dẫn tới lạm phát đình trệ, tình huống mà tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Ông Modi lưu ý nếu giá hàng hóa tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ chuyển gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng để bảo vệ lợi nhuận của họ.

Trà My