|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cảng Quy Nhơn đề nghị Phó Chủ tịch VAFI xin lỗi công khai, sẽ niêm yết HOSE vào cuối tháng 11

07:44 | 14/07/2020
Chia sẻ
Sau những phản ánh về tình trạng suất đầu tư cao bất thường, chậm niêm yết HOSE và số liệu kinh doanh thiếu trung thực thì ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc đã chính thức lên tiếng phản bác lại phía VAFI.

Nhận định thổi phồng thành tích kinh doanh 2019 là vu khống

Như đã đề cập trong bài trước đó về kiến nghị của Hiệp hội Các Nhà Đầu tư Tài chính (VAFI) phản ánh tình trạng chi phí tư vấn và quản lý tại CTCP Cảng Quy Nhơn gấp gần 3 lần khu vực tư nhân, vấn đề chậm niêm yết thì phía doanh nghiệp đã chính thức lên tiếng.

Về vấn đề thổi phồng thành tích kinh doanh năm 2019, báo cáo không trung thực phía Cảng Quy Nhơn cho rằng là "không có căn cứ, vu khống tạo dư luận không tốt nhằm hạ uy tín của doanh nghiệp, phủ nhận công sức những cố gắng của HĐQT, Ban điều hành, cán bộ nhân viên". Thậm chí phía Cảng Quy Nhơn còn đề nghị cổ đông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI xin lỗi công khai về những phát ngôn của mình.

Năm 2019 doanh thu Cảng Quy Nhơn đạt gần 813 tỉ đồng, lãi trước thuế gần 129 tỉ; tăng lần lượt 12% và 7% so với năm 2018.

Doanh nghiệp cho biết "các số liệu trên là số liệu theo báo cáo tài chính năm 2019 của Cảng Quy Nhơn đã được công ty kiểm toán độc lập nằm trong danh sách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép đủ điều kiện thực hiện kiểm toán".

Bất chấp COVID-19, nửa đầu năm lợi nhuận vẫn tăng trưởng

Vấn đề thứ hai liên quan tới việc Vinalines tiếp quản điều hành nửa cuối năm 2019 lợi nhuận giảm dù doanh thu tăng 10% bất chấp yếu tố giá cước và nhiều yếu tố cơ bản khác không thay đổi.

Cảng Quy Nhơn giải trình trong tổng số gần 800 tỉ đồng doanh thu thuần năm 2019 của Cảng Quy Nhơn, doanh thu khai thác cảng là gần 461 tỉ đồng (chiếm 58%, tăng 3% so với năm 2018); doanh thu xăng dầu và bán lốp xe là gần 145 tỉ đồng (chiếm hơn 18%, tăng 20%); doanh thu vận tải bộ và vận tải thủy đạt gần 188 tỉ đồng (chiếm 23%, tăng 32% so với năm 2018).

Theo số liệu nêu trên, dù sản lượng hàng thông qua năm 2019 tăng 787.000 tấn nhưng hàng container chỉ tăng 133.000 tấn, còn lại là hàng tổng hợp. Với kết cấu hàng hóa như vậy, doanh thu khai thác cảng chỉ tăng 3% tương đương 12,6 tỉ đồng (doanh thu này đã bao gồm khoảng 13% doanh thu tàu lai sụt giảm do trước khi bàn giao về Vinalines, Công ty thực hiện điều chỉnh chính sách thuê tàu lai). Kết quả này phù hợp kết cấu hàng hóa và thực tế hoạt động kinh doanh khai thác.

Với chi phí hoạt động, theo báo cáo tài chính chi phí nhân công năm 2019 tăng 13,6 tỉ đồng so với năm 2018 do sau khi tiếp quản, Ban điều hành nhận được 54 kiến nghị của người lao động trong đó có 29 kiến nghị về lĩnh vực tiền lương.

Theo đó, năm 2019, đơn giá tiền lương kế hoạch của người lao động bằng 13,48 triệu đồng/tháng, tăng 12% so với tiền lương bình quân thực hiện năm 2018. Tuy nhiên, theo số liệu quyết toán để đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận năm 2019, công ty chỉ thực hiện mức tiền lương bình quân của người lao động bằng 13,2 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, năm 2019 sản lượng hàng hóa tăng trưởng 9,5% trong khi phương tiện máy móc thiết bị của cảng đã cũ. Do đó, để đảm năng suất xếp dỡ hàng hóa, nhiều phương tiện thiết bị của cảng phải đưa vào thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế vật tư, phụ tùng. Vì vậy chi phí sửa chữa, nâng cấp tài sản năm 2019 tăng cao với tổng chi phí hơn 20 tỉ đồng, tăng hơn 11 tỉ so với năm 2018.

Ngoài ra, Bình Định có đặc điểm mùa mưa từ tháng 9 - 12, giai đoạn này việc làm các hàng tổng hợp đặc biệt là hàng bao và hàng dăm gỗ gặp rất nhiều khó khan, thậm chí không thể làm hàng. Vì vậy sản lượng hàng thông qua cảng 6 tháng cuối năm thường có xu thế thấp hơn 6 tháng đầu năm.

Nửa đầu năm, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng sản lượng hàng hóa qua cảng 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 5,2 triệu tấn, tăng 12%. Dự kiến doanh thu khai thác và dịch vụ nửa đầu năm đạt 421 tỉ đồng, lãi trước thuế 72 tỉ đồng; tăng lần lượt 4% và 2% so với cùng kì năm 2019.

Thông cáo báo chí nêu rõ: ""Kết quả này là minh chứng cho việc Vinalines đang quản trị vận hành Cảng Quy Nhơn tốt, không như các nhận định chụp mũ, vô căn cứ của VAFI gây hiểu nhầm định hướng dư luận cứ doanh nghiệp nhà nước là làm ăn thua lỗ, quản trị yếu kém".

Cuối tháng 11 dự kiến niêm yết cổ phiếu trên HOSE

Vấn đề chậm niêm yết, Cảng Quy Nhơn cho biết trước thời điểm bàn giao vốn giữa Vinalines và CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, để không làm phức tạp quá trình thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn, việc niêm yết chứng khoán không thể thực hiện được.

Trong năm 2019 và đến nay, dù Vinalines đã có nhiều văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cũng như đề nghị Hợp Thành đề xuất giá trị lợi ích của nhà đầu tư nhằm kết thúc quá trình thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Hợp Thành chưa có bất cứ đề nghị nào để đàm phán kết thúc giai đoạn 2 của quá trình chuyển giao.

Tại đại hội cổ đông, Công ty đã đưa nội dung niêm yết vào chương trình nghị sự. Ngày 16/6 doanh nghiệp đã có văn bản báo cáo tiến độ niêm yết cổ phiếu, dự kiến cuối tháng 11 cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ được niêm yết trên HOSE.

Phản bác lại nhận định suất đầu tư Bến số 1 cao bất thường

Về vấn đề suất đầu tư cải tạo nâng cấp Bến 1 Cảng Quy Nhơn cao bất thường, doanh nghiệp giải trình phương pháp xác định tổng mức đầu tư là xác định khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở, kế hoạch thực hiện dự án, tổ chức biện pháp thi công, đơn giá xây dựng…

Cảng Quy Nhơn cho biết báo cáo nghiên cứu khả thi, giải pháp thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư… được CTCP Dịch vụ Cảng Đại Dương (đơn vị do Phó Chủ tịch VAFI giới thiệu) thực hiện thẩm tra, thống nhất thông qua.

Doanh nghiệp tiếp tục khẳng định việc VAFI nhận định suất đầu tư Bến số 1 phi thực tế, tạo dựng suất đầu tư cao để đặt giá thầu cao tạo điều kiện cho nhóm lợi ích là "vu khống, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp".

Doanh nghiệp cho biết việc chọn nhà thầu tư vấn do Phó Chủ tịch VAFI giới thiệu thể hiện "tính cầu thị, công khai, minh bạch, trân trọng ý kiến cổ đông không như qui chụp của VAFI".

Ngay sau khi Cảng Quy Nhơn có văn bản đính chính, phía VAFI lại tiếp tục có ý kiến phản hồi và cho rằng việc giải trình cho việc không niêm yết cổ phiếu; tổng mức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Bến số 1 là "biện minh".

Về vấn đề thổi phồng thành tích kinh doanh, VAFI cho rằng đã thắc mắc vấn đề từ tháng 2/2020 nhưng không được giải đáp. "Nếu HĐQT thật sự minh bạch thì những vấn đề trên phải được giải thích kĩ càng trong báo cáo thường niên cũng như báo cáo tổng kết tại đại hội cổ đông thường niên", VAFI nêu rõ.

Phía VAFI cũng cho rằng văn bản phản hồi của Tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn chưa giải đáp được những thắc mắc nêu ra.