|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cần làm mới chính sách hỗ trợ đầu tư, xây nhà ở cho công nhân

07:21 | 30/09/2016
Chia sẻ
Lợi nhuận thấp và khả năng thu hồi vốn chậm khiến nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp không mặn mà phát triển dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Vì thế, cần phải có chính sách hỗ trợ mới để khuyến khích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa tham gia phát triển phân khúc này.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, hiện có khoảng 2,6 triệu công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp và hàng triệu công nhân, lao động tại nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các cụm công nghiệp nhỏ và vừa. Trong số đó, có tới khoảng 75% là các lao động ngoại tỉnh và ngoại huyện. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20% trong tổng số 2,6 triệu lao động là có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm.

Trước thực trạng thiếu hụt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và một vài năm qua, nhiều dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân đã được xây dựng. Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 87 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân đã được xây dựng tại các khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ. Ngoài ra, có khoảng 64 dự án với quy mô khoảng 69.300 căn đang được triển khai. Tuy nhiên, đó vẫn là con số rất khiêm tốn và chưa thể đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho khoảng 2,4 triệu công nhân còn lại.

can lam moi chinh sach ho tro dau tu xay nha o cho cong nhan
Khoảng 80% công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở chưa được đáp ứng. (Nguồn: Lê Toàn)

Trên thực tế, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở sửa đổi (2014) đều có quy định rất rõ về việc khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất xây dựng nhà ở trong quy hoạch, tuy nhiên, thực tế cho thấy, không nhiều chủ đầu tư thực hiện đúng điều này.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp đang đầu tư một số dự án khu công nghiệp tại Bình Thuận cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi triển khai các dự án nhà ở cho công nhân là việc thu xếp vốn. Nếu vay ngân hàng sẽ rất rủi ro khi các dự án đòi hỏi nguồn lực lớn, nhưng lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, do chủ yếu là cho thuê hoặc thuê mua. Trong khi đó, cơ chế ưu đãi cho việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tương đối chặt chẽ, không thực sự mang tính chất khuyến khích doanh nghiệp.

Lấy ví dụ về các dự án doanh nghiệp mình đang triển khai, vị lãnh đạo này chia sẻ, bản thân khi đầu tư vào cụm công nghiệp này, doanh nghiệp đã tự phải đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông bên ngoài, điều mà đáng nhẽ phải do chính quyền địa phương làm. Tuy nhiên, do tỉnh quá khó khăn về ngân sách, nên chủ đầu tư đã phải tự đứng ra lo. Do đó, chủ đầu tư sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương thay vì đầu tư thêm các hạng mục khác như nhà ở để thu hút lao động ngoài địa phương.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo hợp tác cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố hồi tháng 7 vừa qua, vấn đề thiếu hụt nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Đây cũng là mục tiêu trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ đã đề ra.

Do đó, cần sớm xây dựng và ban hành những chính sách mới để khuyến khích, thúc đẩy việc xây dựng nhà ở cho người lao động, đặc biệt thu hút khu vực tư nhân, huy động nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn của chính doanh nghiệp khu công nghiệp vào xây dựng nhà ở cho người lao động.

Trong đó, ngoài quỹ đất và quy hoạch, cần phải tạo mặt bằng và hạ tầng trên đất thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở. Cần tập trung vào mở rộng đối tượng ưu đãi, hỗ trợ về thuế cho người dân hiện đang có nhà trọ cho công nhân thuê và tham gia xây dựng nhà ở cho người lao động tại các địa bàn có khu công nghiệp để họ xây dựng, nâng cấp cải tạo nhà trọ hiện có, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, giảm giá cho thuê... Đồng thời, bổ sung quy định việc xây dựng nhà ở cho công nhân là trách nhiệm của các doanh nghiệp và chủ đầu tư sử dụng lao động (đối với các dự án sử dụng nhiều lao động phải có cam kết của chủ đầu tư khi tiếp nhận dự án) bên cạnh tạo.

Bên cạnh đó, cần xác định nhà ở cho công nhân khu kinh tế, khu công nghiệp là một chính sách an sinh xã hội. Do đó, ngân sách nhà nước cần dành kinh phí nhất định để hỗ trợ các địa phương có khu kinh tế, khu công nghiệp xây dựng nhà ở công nhân, nhất là các địa phương không tự cân đối được thu chi ngân sách trên địa bàn.

Theo Việt Dương

Đầu tư Bất động sản

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.