\"Cần giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng xuống mức 51%\"
Tại hội thảo: "Phát triển bền vững thị trường tài chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế" vừa qua, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đã chỉ ra một số thay đổi về thể chế để giúp hoàn thiện thị trường tài chính Việt Nam.
Cần giảm tỷ lệ sở hữu NN tại các ngân hàng xuống mức 51%
Theo ông Lực, hiện nay tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank là 64,5%, tại BIDV là 95,3%, Vietcombank là 77,1% và Agribank là 100%. Như vậy, tính bình quân 4 ngân hàng trên, Nhà nước đang sở hữu trung bình khoảng 84%.
Nếu 4 ngân hàng này có nhu cầu bơm vốn, áp lực lên ngân sách là rất lớn. Mặt khác, để phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế ASEAN (AEC) và TPP, Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh tỷ lệ này giảm dần xuống mức 65% rồi 51%.
Ngoài ra, ông Lực cho rằng tín dụng chính sách hiện đang chiếm 8% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu tính thêm cả các gói chính sách cho 5 lĩnh vực ưu tiên thì con số này đạt tới 43%. Nếu Chính Phủ và NHNN quản lý không tốt lượng tín dụng này sẽ gây ra bất ổn thị trường bởi nguy cơ xuất hiện cơ chế "xin - cho".
Hơn nữa, tín dụng được phân bổ hợp lý vào khu vực tư nhân sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Vì vậy, NHNN cần xem xét tái cơ cấu các định chế tài chính trong tín dụng chính sách mà ở đây là Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Chính sách Xã hội để tăng cường tính minh bạch và nâng cao hiệu quả tín dụng.
Tăng cường quản lý rủi ro và phối hợp chính sách
Theo ông Lực, quy mô tổng tài sản hệ thống tài chính hiện nay khoảng 170% GDP của nền kinh tế, trong đó tài sản của hệ thống ngân hàng chiếm 75,2%. Đáng chú ý, trong cơ cấu tổng tài sản của hệ thống ngân hàng, các "ngân hàng quốc doanh" lại đang sở hữu xấp xỉ 50%. Do vậy, hệ thống tài chính đang đối diện với nguy cơ bị mất cân đối cấu trúc.
Mối quan hệ giữa ngân hàng, thị trường chứng khoán và bảo hiểm ngày càng chặt chẽ, nên rủi ro hệ thống nếu xảy ra sẽ có sức lan tỏa sâu rộng. Do đó, cơ chế, bộ máy giám sát cũng cần nâng cao, đặc biệt là giám sát tài sản chéo giữa chứng khoán với các ngân hàng, chứng khoán với bảo hiểm và giám sát ngân hàng ngầm.
Ông Lực cho biết, bấy lâu nay, Chính phủ và NHNN chủ yếu quan tâm đến rủi ro tín dụng, mà quên mất thị trường vốn còn tồn tại rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có Thông tư cụ thể nào hướng dẫn khiến cho hệ thống ngân hàng còn loay hoay khi xử lý vấn đề này.
Ngoài ra, phối hợp chính sách giữa Bộ Tài chính (BTC) và NHNN đã tốt hơn trước xong vẫn còn nhiều bất cập. NHNN và BTC đều hỏi ý kiến lẫn nhau trước khi phát hành tín phiếu NHNN hoặc trái phiếu Chính phủ nhưng chưa có sự phân vai rõ ràng giữa hai đơn vị này trong những gói tín dụng từ NSNN khiến cho việc quản lý còn chồng chéo và kho khăn.
Bên cạnh đó, hiện tại cả hai bên đều chưa thống nhất được kế hoạch tài chính và thiếu khung về tiền tệ quốc gia. Vì vậy cần tích cực phối hợp chính sách giữa các bên để thúc đẩy phát triển thị trường tài chính.