|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cần cơ chế ưu tiên trong phát triển nhà ở xã hội

07:30 | 12/04/2019
Chia sẻ
Mới đây, tại Chỉ thị 09/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm soát chặt quy hoạch, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị để phát triển nhà ở xã hội.

Mới đây, tại Chỉ thị 09/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm soát chặt quy hoạch, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị để phát triển nhà ở xã hội.

Theo nội dung văn bản, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cần đề xuất các cơ chế, giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở cho người có thu nhập thấp.

“Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp để thúc đẩy phát triển NƠXH tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; cơ chế, chính sách phát triển nhà cho thuê, nhà ở cho người có thu nhập thấp; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển NƠXH, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 3 năm 2019”, Chỉ thị 09 nêu rõ.

Cần cơ chế ưu tiên trong phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Việt Nam mới đạt 33% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội

Nhu cầu thiết yếu

Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có 70% dân số trong đội tuổi lao động (từ 15-19 tuổi). Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là một áp lực không hề nhỏ đối với nhà ở. Nhu cầu về NƠXH ngày càng trở nên bức thiết.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng, Việt Nam đang có mức độ đô thị hóa nhanh với ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị tăng lên mỗi năm. Điều này dẫn đến sức ép về nhà ở tăng cao, giá nhà đất tại đô thị ngày càng đắt đỏ. Trong khi đó, số lượng người nghèo đô thị cũng tăng lên và phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở phù hợp khả năng tài chính của họ.

Ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nhà ở là nhu cầu thiết yếu của bất kỳ đối tượng nào trong xã hội, tùy vào từng nhóm đối tượng khác nhau sẽ có những nhu cầu về nhà ở khác nhau.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển NƠXH cả về chính sách và thực tiễn, như Luật Nhà ở 2014 quy định chặt chẽ về NƠXH, hay Nghị định 100/2015NĐ-CP của Chính phủ năm 2015 đã nêu chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện NƠXH, trong đó đã đề cập đến nhiều vấn đề như quy hoạch, đất đai, tài chính, tiêu chuẩn, thuế và đối tượng được hưởng chính sách NƠXH.

Trên thực tế, việc phát triển các dự án NƠXH vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp. So với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 NƠXH, nhưng mới chỉ đạt khoảng 33%.

Cần xây dựng cơ chế ưu tiên

Theo UBND TP Hà Nội, đối với việc phát triển nhà ở xã hội nói chung còn tồn tại do một số nguyên nhân, vướng mắc như việc bố trí quỹ đất.

Đối với quy định phát triển nhà ở xã hội tại các ô đất thuộc quỹ 20% đất ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố phát sinh nhiều bất cập như quy định hiện hành chưa có quy định tỷ lệ % đất ở dành để phát triển nhà xã hội khi lập, thẩm duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chung… Do đó, thiếu tính chủ động khi bố trí quỹ đất, đề xuất dự án xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu theo đúng chương trình, kế hoạch đặt ra.

Tại một số dự án đã đủ điều kiện bán nhà nhưng chưa có người mua do các dự án nằm tại khu vực xa trung tâm, chưa đầy đủ hệ thống dịch vụ công cộng và chưa thuận tiện về kết nối hạ tầng với trung tâm thành phố. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội chủ yếu bằng ngân sách nhà nước nên gặp khó khăn về nguồn vốn.

TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội chỉ rõ, để giải quyết nhu cầu NƠXH và những tồn tại của giai đoạn vừa qua cần chú ý đến nguyên tắc: Phát triển NƠXH phải "hướng về người dân” chứ không phải là “hướng về nhà ở”.

“NƠXH không đơn thuần chỉ ở, nó phải được tiếp cận một cách tổng thể trọn vẹn, liền mạch theo chuỗi sản xuất; NƠXH không chỉ là sản phẩm của doanh nghiệp mà là sản phẩm của toàn xã hội và phải được đa dạng hóa phù hợp với thị trường rộng khắp trong cả nước. Do đó, cần đảm bảo hạ tầng xã hội, kỹ thuật và đặc biệt là các không gian giao tiếp công cộng. Nói đơn giản, cần nâng cao chất lượng sống cho đối tượng phân khúc này”, TS. Đào Ngọc Nghiêm nói.

Đặc biệt, theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, để giải quyết nguồn lực cho NƠXH, Nhà nước cần có cơ chế ưu tiên. “Trước đây, có cơ chế 30.000 tỷ đồng nhưng chưa huy động được các doanh nghiệp tham gia. Nên chăng, lần này phải chú trọng cân đối lợi ích cho các nhà đầu tư, không chỉ ở khu vực họ xây dựng mà cả những dự án đầu tư chung của TP Hà Nội” - TS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Hồng Hương